Góc nhìn 08/02/2020 07:35

Cung cấp khẩu trang

Khẩu trang ngày thường không có dịch thì nhu cầu cân bằng với năng lực cung. Giờ đòi hỏi cung tăng lên, huy động hết công suất thì cũng có giới hạn, chứ không phải muốn là có.

Ngô Văn Tuyển

Q.Tổng giám đốc VEAM

Cả tuần không tìm mua được khẩu trang cho tập thể dù mua với số lượng dùng chỉ từng tuần một. Các nhà sản xuất cam kết sẽ tăng sản lượng lên vài triệu chiếc một ngày. Hy vọng chỉ là lo đề phòng thôi, chứ dịch sẽ không trầm trọng. Nếu không, có khi hết dịch sản xuất vẫn còn lúng túng. Chẳng riêng gì ta, hôm nay ông đối tác Nhật sang làm việc nói họ cũng khan hiếm khẩu trang, nhà nước cũng kiểm soát giá, người mua cũng bị hạn chế số lượng, TQ cũng mua vét. Làm thế nào giải tình trạng này khi dịch bùng phát?

Là nhà sản xuất nếu công suất dự trữ của dây chuyền mà có thể tăng gấp đôi thì lúc khai thác bình thường là không hiệu quả. Nếu tăng sản lượng bằng cách làm thêm giờ, mà dây chuyền đã khai thác 3 ca rồi thì không tăng được nữa. Trường hợp không đủ công nhân mà phải làm thêm giờ thì lượng tăng cũng chỉ giới hạn vì sức người không thể huy động quá mức. Nếu nhà máy dồn vào làm một mặt hàng thì phải bỏ hàng khác, lại nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng. 

Khẩu trang ngày thường không có dịch thì nhu cầu cân bằng với năng lực cung. Giờ đòi hỏi cung tăng lên, huy động hết công suất thì cũng có giới hạn, chứ không phải muốn là có. Chưa kể sản xuất luôn là một chuỗi phụ thuộc. Vật tư sản xuất không dễ gì đáp ứng nếu đột ngột tăng, nhiều khi còn khó hơn gia công. Trong khi đó vật tư khẩu trang giờ lại mua nhiều từ nước đang có dịch, nhu cầu trong nước họ còn đang không đủ. 

Giá ngày thường một hộp khẩu trang 50 chiếc loại không phải cao cấp chỉ khoảng 35 nghìn đồng. Nhà sản xuất thường phải qua ít nhất một khâu phân phối để đến cửa hàng. Có thể nhà sản xuất bán ra chỉ 25 nghìn đồng (chưa kể VAT 10%). Giá một chiếc sẽ là 500 đồng. Trong 3 ngày đầu tháng, cửa khẩu Lạng Sơn làm thủ tục xuất 3,97 triệu chiếc khẩu trang giá 3.970 USD, thì cũng tương đương 500 đồng/chiếc. 

Giả sử lãi định mức 5%, thì một nhà máy sản xuất 300 nghìn khẩu trang một ngày sẽ có lãi khoảng 200 triệu một tháng, một con số hoàn toàn không hấp dẫn đối với một công ty may. Còn nếu sản xuất theo tinh thần chống dịch không lãi, thì họ lại còn phải lo đủ thứ như làm thêm giờ, lo nguồn vật tư, lo bỏ lỡ các đơn hàng khác. Người ngoài chỉ nhìn ở góc độ trách nhiệm, mà không mấy hiểu được những cái khó của họ. 

Bán lẻ khẩu trang của nhà thuốc giả sử bán 35 nghìn đồng/hộp lấy vào qua phân phối trung gian có thể đã 28-30 nghìn (vì có cả VAT). Ngày thường bán một vài hộp chỉ là cho đủ mặt hàng chứ lời lãi không đáng kể. Chẳng ai dự trữ mặt hàng khẩu trang làm gì. Đột nhiên nhu cầu tăng vọt, thì giá tăng là quy luật nó thế. Ai đó chớp thời cơ thì cũng là bình thường của người buôn bán. Nhà đất, vàng bạc, ngoại tệ, chứng khoán chẳng ai sốt giá mà không nghĩ cách thu lợi được nhiều nhất. Chửi họ là con buôn hay gian thương thì họ cũng phải chịu.

Thực tế cái lợi chỉ có tính thời điểm, chẳng thể kéo dài. Thường một mặt hàng khi giá cả tăng lên ở đầu ra do quan hệ cung cầu thì tất cả các khâu đều sẽ tăng theo. Nhà sản xuất sẽ tăng giá chứ chẳng chịu mình làm mà người khác hưởng. Trong hoàn cảnh đặc biệt như bệnh dịch thì Nhà nước can thiệp mệnh lệnh bình ổn giá là để người dân không bị khó khăn thêm, không để người khác lợi dụng kiếm lợi. Tuy nhiên, nếu không theo quy luật cung cầu, thì mệnh lệnh hành chính chỉ có hiệu quả nhất định. Chẳng ai có thể trách nhà sản xuất khi không có vật tư, khi đã huy động hết năng lực còn thừa, khi không đầu tư thêm dây chuyền công nghệ.

Người biết lo sẽ nghĩ trước, nghĩ sau đủ mọi khía cạnh của vấn đề. Đến như Trung Quốc khổng lồ, công xưởng của cả thế giới mà còn phải sang ta mua vét thì câu chuyện khẩu trang không còn đơn giản.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *