Góc nhìn 28/03/2018 12:42

CTTPP sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

Tham gia vào CPTPP, hy vọng lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, để bớt sự tập trung quá lớn vào thị trường Trung Quốc như hiện nay, chính là Nhật Bản.

Phạm Chi Lan, Chuyên gia Kinh tế

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hy vọng lớn nhất cho ta trong CPTPP là Nhật Bản. Với TPP, Nhật đã ước tính nông sản nhập khẩu sẽ đáp ứng tới 86% nhu cầu nông sản trong nước.

Trong mấy năm gần đây, Nhật đã mở rộng hợp tác kinh tế với ta trong sản xuất nông nghiệp. Bước đầu chúng ta đã tạo được sự tin cậy từ phía họ, họ đã mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của ta hơn.

Việt Nam có thể trở thành cứ điểm mạnh cung cấp một số loại nông sản cho hơn 120 triệu dân Nhật. Đây là cơ hội rất lớn để nông nghiệp Việt Nam tạo bước đột phá.

Tận dụng tốt cơ hội trong CPTPP và EVFTA, hợp tác thêm với một số nước có công nghệ cao về nông nghiệp như Israel, đồng thời cải cách mạnh để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa chắc chắn sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh.

Ta có quá nửa dân số là nông dân. Xưa nay có quan niệm không quốc gia nào làm giàu được từ nông nghiệp, nhưng với công nghệ, phương thức sản xuất và kinh doanh nông nghiệp tiên tiến thì chúng ta vẫn có thể giàu, mạnh từ nông nghiệp.

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, ước tính nông nghiệp thuần túy của nước ta vào năm đó chỉ còn chiếm 10 - 15% GDP. Nhưng nếu tính nông nghiệp gắn với các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ cho đầu vào, đầu ra của nông nghiệp và chế biến nông sản thì có thể chiếm tới 35% GDP và chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường. Cuộc sống của nông dân và những người lao động gắn với nông nghiệp sẽ tốt đẹp hơn.

Với triển vọng như vậy, hẳn nhiên nền kinh tế của chúng ta sẽ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc?

Ngoài CPTPP, nước ta cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định RCEP, một hiệp định gồm 16 nước trong đó Trung Quốc được coi là có vai trò dẫn dắt. Theo đó, Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu được nhiều hơn sang Trung Quốc. Nhưng với tư thế thành viên của cả CPTPP và RCEP, chúng ta có thể chủ động hơn chứ không bị động như hiện nay.

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *