Góc nhìn 23/09/2019 09:11

Công ai cũng nhận, quy trách nhiệm thì của tập thể

Có công thì có thể có ai đứng đầu nhận lấy, còn quy trách nhiệm thì thường là chia đều cả tập thể.

Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

Chính phủ và Quốc hội đưa ra rất nhiều chính sách, Nghị quyết là thể hiện muốn đốc thúc làm vấn đề. Tuy nhiên, sự chuyển dịch là vô cùng chậm. Tôi nghĩ đây là tình trạng kéo dài lâu rồi và cũng do kỷ cương thực hiện chính sách của quan chức Nhà nước là không nghiêm mới để xảy ra nhờn luật, nhờn chính sách.

Có một thực tế là công chức vào Nhà nước rồi thì làm hay không làm không sao cả, thậm chí những người nào làm hăng hái, tích cực thì nhiều khi dễ bị va chạm, vô tình không đúng quy định thì có tội, còn người làm ít không sao hết.

Hiện nay, người vào Nhà nước được biên chế gần như suốt đời thì tạo ra cho một số người có mưu cầu cho bản thân họ. Nếu làm cái gì có lợi cho mình mà an toàn thì họ làm ngay; còn cái gì có lợi mà không an toàn cho mình thì đắn đo thêm một chút; cái gì không an toàn, không lợi cho mình thì họ không lựa chọn. Mà trong hệ thống của Việt Nam, không làm thì cũng không làm sao cả, cho nên họ chọn những giải pháp an toàn hơn.

Tôi cho rằng, hiện nay, ngay cả việc phá sức ì trong bộ phận công chức chúng ta cũng rất khó khăn, nan giải chứ không nói gì đến chuyện kỷ luật, quy trách nhiệm người đứng đầu, người liên quan. Để quy trách nhiệm, kỷ luật, đưa ra khỏi Nhà nước là rất khó khăn, nhiều khâu, thậm chí kỷ luật một người còn phải xét đến gia đình, nhân thân làm yếu tố giảm tội.

Làm ở nhà nước, dù có phân công công việc nhưng bản mô tả công việc không rõ ràng, không minh bạch, không quy trách nhiệm giải trình, khiến cho công chức nhờn luật.

Giải trình sai phạm hiện rất khó khăn để quy trách nhiệm của từng cá nhân. Có công thì có thể có ai đứng đầu nhận lấy, còn trách nhiệm thì thường là chia đều cả tập thể.

Quan điểm, công chức tốt, có năng lực thường được xem là có đạo đức tốt, nhưng không làm, hưởng lương trọn vẹn, nhà nước và dân vẫn phải đóng thuế thì là phi đạo đức. Tình trạng này không thiếu!

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *