Góc nhìn 18/02/2019 08:42

Còn đâu những nhà máy công nghiệp "vang bóng một thời"?

Cuối tuần trước, thông tin về dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được đầu tư 8.100 tỷ đồng nhưng vẫn là đống thép han gỉ  lại khiến bất cứ người nào biết chuyện không khỏi xót xa. Vậy là đã thêm một đại dự án công nghiệp đã từng "vang bóng một thời" đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhà báo Mạnh Quân:

Trước Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, đã từng có những dự án công nghiệp lớn có tuổi đời hàng chục năm, đã từng kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho hàng vạn, hàng chục vạn công nhân, ghi dấu ấn trong suốt một thời kỳ đã lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

Chúng ta đã thấy Nhà máy dệt Nam Định, ở thời kỳ hoàng kim của nó, đó là một dự án trọng điểm ngành công nghiệp nhẹ, tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp lớn cho sự phát triển của Thành phố Nam Định. Nhưng đến nay, mọi sự đã không còn như trước...

Những nhà máy cơ khí cũng có tiếng một thời khác, ngay tại Thủ đô như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Cơ khí Gia Lâm... hay Nhà máy Sông Công (Thái Nguyên), Nhà máy Apatit Lào Cai... đều có những đóng góp lớn về kinh tế-xã hội trong suốt một thời kỳ bao cấp nhưng nay gần như không còn được nhắc tên trên mạng lưới các dự án công nghiệp của ngành Công Thương. Có nhà máy vẫn còn tồn tại nhưng lay lắt và không hiệu quả. Có nhà máy cơ bản chỉ còn là đống sắt vụn.

Và đến nay, lại có thêm Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Trong nhiều năm qua, Nhà máy này cũng liên tục thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả. Để vực dậy cơ sở này, Chính phủ đã đồng ý đầu tư tới 8.100 tỷ đồng để mở rộng nhà máy (giai đoạn II). Tuy nhiên, theo một bài trên báo Tuổi trẻ ra ngày 16/2, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận cho thấy, mặc dù được đầu tư số tiền rất lớn nói trên, nhưng cơ bản đến nay, TISCO vẫn là một đống sắt khổng lồ han gỉ.

Theo Thanh tra Chính phủ, mặc dù đã có hơn 4.500 tỉ đồng đã được đổ vào đây nhưng thực tế cỏ dại mọc xung quanh nhà máy, khắp nơi là ống thép, khung nhà, thiết bị... làm dở dang. Nhà thầu Trung Quốc cũng đã rút người về. Từ nhiều năm nay, nhà máy này "đắp chiếu", các thiết bị được đầu tư mua tiền tỉ về lắp đặt nay chịu cảnh gỉ sét. Thực tế dự án này đã phải kéo dài, chậm tiến độ trên 10 năm, đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay. Tổng mức đầu tư của dự án đã phải tăng nhưng toàn bộ các hạng mục chính chưa hoàn thành.

Đọc những thông tin đó, chúng ta không thể không xót xa. Một dự án có qui mô lớn như vậy, được đầu tư với số tiền rất lớn từ ngân sách nhà nước mà gần như lãng phí hoàn toàn, không thể khôi phục nổi một Nhà máy mà suốt một thời kỳ dài hàng chục năm, cứ nói đến gang thép, là người ta phải nhớ đến tên Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Còn giờ này, người ta chỉ hiểu, đó là một trong hơn 10 đại dự án thua lỗ lớn của ngành Công Thương.

Có rất nhiều lý do để giải thích cho tình trạng kinh doanh bết bát, thê thảm của nhiều đại dự án công nghiệp từng được cho là "nắm đấm thép" của ngành công nghiệp Việt Nam trong quá khứ: Chậm đổi mới, công nghệ, thiết bị lạc hậu; mất thị trường; không còn lợi thế cạnh tranh; lãnh đạo thiếu nhanh nhạy, thậm chí tham nhũng, tiêu cực...

Nhưng có lẽ, trên tất cả, có một nguyên nhân xuyên suốt đó là việc thiếu một tầm nhìn, thiếu những quyết sách lớn, nhanh nhạy, kịp thời để thay đổi, chuyển biến trong công tác điều hành đối với công trình, dự án công nghiệp. Nhiều dự án công nghiệp qui mô lớn trong thời bao cấp đã từ lâu sản phẩm không còn phù hợp với thị trường, công nghệ sản xuất lại lạc hậu, lề lối điều hành, quản lý chậm chạp nhưng đã chậm được thay đổi, không thể cạnh tranh được với các sản phẩm mới ở trong và ngoài nước, mất dần vị thế.

Nhưng người ta đã không nhận ra đầy đủ thực tế đó, có dự án vẫn được rót vào hàng ngàn tỷ đồng để nhằm cứu những "xác sống" ấy, nhưng như dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, đã cho thấy, nó chỉ đem lại thất bại và mất mát thêm tiền của, của nhân dân.

Thay vì cách làm đó, có lẽ với nhiều dự án công nghiệp thế hệ cũ còn tồn tại, nên có cách tư duy, phương pháp xử lý khác: Đẩy mạnh bán, khoán, cho thuê hay cổ phần hóa, cho phép liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước hoặc nếu đã quá yếu kém cứ mạnh dạn cho phép phá sản.

Còn nếu tiếp tục rót vốn, dù lớn đến đâu nhưng vẫn những con người quản lý đó, vẫn cách thức quản trị đó, với công nghệ đã lạc hậu hàng thập kỷ thì cũng chỉ là sự duy trì những xác chết biết đi- những "xác sống" đúng nghĩa mà thôi.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *