Góc nhìn 29/10/2018 15:27

Cách phòng ngừa nhân dân tệ giảm giá

Đồng nhân dân tệ (CNY) giảm giá mạnh đang hậu thuẫn cho hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Việc CNY mất giá làm đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn, khiến hàng Việt Nam có thể không kém cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc ở thị trường thứ ba. Thế nhưng, nhìn vào cơ cấu các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, không phải nhóm ngành nào cũng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Hơn nữa cũng không phải đơn hàng nhập khẩu nào cũng được định giá bằng CNY. Chưa kể, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đang khiến Mỹ kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Bởi vậy, việc CNY giảm giá không mang lại nhiều lợi ích.

Thậm chí, khi đồng CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.

Số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy điều này khi cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết 15/10 thặng dư ở mức kỷ lục 6,33 tỷ USD, nhưng xét riêng với Trung Quốc thì cán cân thương mại Việt Nam lại thâm hụt tới 18,45 tỷ USD.

Do đó, nên giảm giá VND so với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng CNY so với USD. Đặc biệt, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà xuất khẩu hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang Mỹ.

Mặc dù việc phá giá VND ở mức cao tại thời điểm này là chưa cần thiết, nhưng nếu từ nay tới cuối năm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mạnh mẽ hơn, CNY tiếp tục giảm giá thì cũng nên giảm giá VND so với USD khoảng 1,5% để bù trừ cho việc CNY phá giá với USD.

Tuy nhiên, tỷ giá đang là bài toán khó đối với NHNN bởi việc phá giá VND có thể gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Vì cho đến nay, dường như NHNN vẫn đang kiên định với mục tiêu ổn định tỷ giá để góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. 

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *