Góc nhìn 22/06/2018 15:32

Bất động sản Hà Nội: “Liveshow của anh Vượng và những người bạn”

Nhìn vào một loạt dự án bất động sản vừa được Hà Nội cấp phép không khó để nhận ra rằng cuộc chơi trên thị trường này giờ Vingroup đã ở thế độc tôn. Miếng bánh còn lại được chia đều cho một số tên tuổi khác, nhưng khoảng cách giữa Vin và họ là không thể khoả lấp.

Ông Trương Xuân Danh,  NĐT bất động sản

 

“Đại công xưởng Vin” sau khi đại trà hoá thị trường bằng chung cư giá cao mà tôi gọi là “chung cư công nghiệp”, giờ đây họ bắt đầu tiến sang càn quét nốt thị trường chung cư bình dân.
 

Bằng việc phát triển quỹ đất khủng nằm ở hai đầu thành phố là Gia Lâm và khu Tây Mỗ - Đại Mỗ thời gian tới một khối lượng căn hộ trung bình lớn chưa từng thấy sẽ tràn ngập thị trường với cái tên mới Vincity. Như vậy các đối thủ khác gần như hết cửa ở phân khúc này. 

Việc vươn lên vị trị thống lĩnh của Vin có nhiều nguyên nhân. Trước hết các ông lớn Nhà nước như Vinaconex, HUD, UDIC, Viglacera, Handico...giờ không còn lợi thế để làm bất động sản nữa, họ là những cỗ máy già nua, chậm chạp hết thời. Khi không còn quỹ đất, cơ chế bó buộc không cho phép phản ứng mau lẹ với thị trường, họ ngay lập tức trở thành những tên tuổi vô giá trị, chỉ còn biết ngồi gặm nhấm quá khứ xa xưa.
 

Trong khi đó Vin giờ đây với nguồn lực và một bộ máy triển khai thiện chiến, chuyên nghiệp họ có thể đưa ra sản phẩm với thời gian thần tốc và quy mô mà không một đối thủ nào sánh kịp.
 

Chúng tôi vẫn nói đùa, ở đâu có thị trường, ở đó lập tức có máy khoan cọc của Vin. Vâng, vấn đề duy nhất của Vin hiện là thị trường và chỉ là thị trường mà thôi.
 

Các “người bạn” còn lại, vì lí do này hay lí do khác trong thời gian vừa qua đã không thể đạt được một quy mô đủ lớn và đã hụt hơi trước Vin.
Những chị Nga Seabank, anh Hiển SHB, anh Tuấn Maritime...mặc dù tích tụ được một quỹ đất lớn, có nguồn lực tài chính, nhưng dù sao vẫn là dân “ngoại đạo”, và một thời gian dài đang ở thế “đứng giữa hai dòng nước”. Lý do có lẽ họ không thể tập trung nguồn lực để triển khai và không loại trừ sự e ngại về rủi ro thị trường.

 

Một số tên tuổi khác như Văn Phú, Him Lam, Hải Phát, Geleximco, GP Invest, Eurowindow nguồn lực vừa phải, không chủ động được quỹ đất nên vẫn phải phát triển cầm chừng. Vì tồn tại ở thị trường Thủ đô đủ lâu nên họ có độ “quái” nhất định, vì vậy khá thận trọng, phải chăng đó lại chính lại là điểm yếu của họ.
 

Nói đến thị trường bất động sản Thủ đô sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến hai tên tuổi đình đám khác Sun và Tân Hoàng Minh. Cùng phát triển dòng sản phẩm cao cấp, nhưng Tân Hoàng Minh giờ chỉ còn là “hồn trương ba da hàng thịt”. Trong khi đó với ẩn số Sun, một tay chơi vừa nhập cuộc, có lẽ phải chờ đến khi họ trao những chiếc khoá đầu tiên cho cư dân chúng ta mới có câu trả sòng phẳng cho dòng sản phẩm cao cấp đích thực.
 

Thị trường bất động sản Thủ đô đang chuyển sang một trạng thái mới mà ở đó một cuộc trình diễn sức mạnh cơ bắp mới chỉ bắt đầu.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *