Góc nhìn 23/05/2020 20:40

Bạn "tham" đến cỡ nào?

Bạn bỏ qua một cơn sóng lớn, thoạt nhìn có vẻ cũng không hại gì, không mất gì. Nhưng thực ra mất cơ hội sinh lời, không khác gì thua lỗ cả.

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia chứng khoán

Ở Việt Nam có nhiều kênh đầu tư khác nhau. Có những loại hình đầu tư như gửi tiết kiệm, mua trái phiếu,... mà người ta luôn biết trước mức sinh lời tương lai. Khi đã chọn loại hình này, không thể nào "tham lam" hơn được. Mức 8-12%/năm gần như cố định.

Nhưng cũng có loại hình đầu tư như đầu tư bất động sản, mua vàng, đặc biệt là chứng khoán, tính chủ động rất cao. Việc đặt ra mức kỳ vọng sinh lời tối thiểu là có thể có, nhưng mức tối đa thường là vô hạn. Vậy bạn nên "tham" đến mức như thế nào? Bao nhiêu % là đủ?

Chứng khoán và Poker có khá nhiều nét tương đồng. Trong Poker có câu nói: "Khi cơ hội đến, khả năng ăn hết chip đối thủ xuất hiện, mà bạn lại bỏ lỡ, thì đây là một sai lầm không thể tha thứ. Nó tương tự như sai lầm bạn thua hết chip vậy". Chứng khoán cũng vậy. Bạn bỏ qua một cơn sóng lớn, thoạt nhìn có vẻ cũng không hại gì, không mất gì. Nhưng thực ra mất cơ hội sinh lời, không khác gì thua lỗ cả. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất sơ khai, hơn 90% là nhà đầu tư cá nhân. Tính kỷ luật trong đầu tư gần như bằng 0. Kỳ vọng lợi nhuận cũng rất cảm tính, bị dẫn dắt bởi tiêu chí của các nhà đầu tư tổ chức. Trong khi tổ chức họ đầu tư chứng khoán là chuyên nghiệp, họ có nhiều tiêu chí, cho nên không thể áp dụng cứng nhắc cho nhà đầu tư cá nhân được.

Quĩ đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp họ dành toàn bộ tiền vào chứng khoán. Câu chuyện giữ mức sinh lời mục tiêu là tối quan trọng. Họ không thể mất hết số tiền này được.

Còn nhà đầu tư Việt Nam thường phân bổ tài chính cá nhân theo nhiều "ngăn". Chứng khoán là ngăn rủi ro cao. Mark Minervini - được mệnh danh là "phù thủy chứng khoán", lại đưa ra phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, trong bất kỳ phương pháp đầu tư nào, kỳ vọng sinh lời tối đa đối với chứng khoán là gần như không có giới hạn. Chỉ khi có mục tiêu như thế, bạn mới bao quát được những khoản đầu tư khác, mới đúng tính chất của chứng khoán.

Tháng 6/2013 cổ phiếu Facebook có giá quanh vùng 23 USD. Nhưng chỉ sau 6 tháng, FB đã có giá 60 USD, tức tăng 160%. Tất nhiên giá cũng không dừng ở đây, nó đã tiếp tục tăng không ngừng nghỉ, và hiện nay đang là vùng cao nhất với 210 USD.

Cũng tương tự như FB, vào tháng 12/2019 cổ phiếu Tesla chỉ quanh mức 350 USD. Đến tháng 2/2020, tức là chỉ sau hơn 2 tháng, TSLA đã có giá 880 USD, tương đương mức tăng 150%. Sau khi điều chỉnh sốc về lại 350 USD, ngày hôm nay Tesla đang lấy lại mốc 800 USD.

Ở Việt Nam cũng có những cổ phiếu như thế. Tháng 6/2019 cổ phiếu SIP chào sàn với giá 17.000 đồng. Chỉ sau 3 tháng, SIP đã có giá 140.000 đồng, tăng 700%. Trong sóng khu công nghiệp đó, những cổ phiếu khác có thanh khoản cao hơn như IJC, PHR, SZL, cũng tăng ít nhất 50% trong thời gian 3 tháng.

Đưa ra các dẫn chứng trên, để thấy rằng nếu ai đó bảo bạn, chơi chứng khoán là ổn định, kiếm đều, nhưng chỉ tối đa 20%/năm, tốt nhất bạn không nên chơi chứng khoán làm gì. Chứng khoán phải kiểm soát rủi ro, hạn chế thua lỗ ở mức tối đa.

Khi thị trường xấu, không có sóng, nên thoát hết ra ngoài. Nhưng khi thị trường có cơ hội, dòng tiền vào mạnh mẽ, không có con số nào cản được lòng "tham" của bạn. Hãy thật "tham lam" khi sóng đến, bạn nhé.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *