Góc nhìn 02/01/2020 12:14

Ám ảnh GDP

GDP đang là nỗi ám ảnh với nhiều quốc gia đang phát triển.

Ông Ngô Văn TuyểnQuyền Tổng Giám đốc VEAM

Một gia đình nông dân trong năm trồng được 1 tấn lúa, tổng sản phẩm của gia đình ấy trong năm chính là giá trị tấn lúa ấy, tương tự như GDP của quốc gia. Sang năm sau, sản lượng lúa tăng lên được 1,2 tấn, tăng trưởng 20%. Con cái đông lên, vỡ hoang được thêm, hàng năm sản lượng tăng, quy mô tổng sản phẩm cũng tăng gấp đôi, gấp ba.

Làm ra nhiều mà chỉ đáp ứng tiêu dùng thì năm nào mất mùa cũng vẫn bị đói. Nhưng nếu bên cạnh trồng lúa, gia đình đó làm thêm việc dệt chiếu, nuôi tằm, kéo sợi, sản phẩm làm ra không chỉ để tiêu dùng, mà có thêm tích lũy. Ngoài sản xuất, gia đình này kinh doanh thêm dịch vụ sửa xe, mở quán bán hàng. Nhà giàu là tiền của cứ dồn tích, không phải chỉ là làm ra nhiều. Nếu họ làm ra nhiều mà ăn tiêu hết, làm gì lớn phải đi vay thì vẫn thuộc dạng nghèo.

Nếu gia đình này không biết làm ăn lại chia mặt bằng ra rồi thuê người ngoài vào làm. Các hoạt động sản xuất, dịch vụ trong nhà nhộn nhịp. Nhưng gia chủ chỉ được chút tiền thuê và được chia cho một chút lời lãi đủ tiêu dùng trong năm. Con cái có chỗ làm thuê bớt lêu lổng thì cũng gọi là may mắn. Nhất là hàng xóm thấy vật tư hàng hóa cứ ùn ùn vào rồi lại xuất đi chưa biết gia chủ ra sao, nhưng cũng thấy hoành tráng như trường hợp quốc gia có GDP tăng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng.

Một nhà khác cũng nghề nông, nhưng con cái lại có nhiều đứa giỏi giang ra ngoài làm ăn và mang thu nhập về làm giàu cho gia đình. Ở phạm vi quốc gia, bỏ vốn ra đầu tư làm ăn ở nước ngoài mang thu nhập về nước mình là làm tăng tổng sản phẩm quốc dân (GNP). Khi đó, GDP của quốc gia có thể thấp, tăng trưởng có thể không, nhưng GNP vẫn có thể tăng. Vì vậy, các nước mang tiền đi đầu tư ở ngoài biên giới thường mới là các nước giàu.

Những nước nghèo vì ám ảnh tăng trưởng nhiều khi lại hay chiều chuộng ưu đãi nhà đầu tư đến từ nước giàu, nên thu nhập quốc dân thực tế cũng không được nhiều. Tăng trưởng bền vững là phải giàu lên và ít để lại những hậu quả cho tương lai. Chia nhỏ hành chính và đua nhau co kéo thu hút đầu tư để tăng tổng sản phẩm địa phương mình mà không quan tâm thu nhập thực tế thì vẫn nghèo. Hình tượng đám mây u ám cho các nền kinh tế chững lại và mặt trời toả sáng đối với những nước tăng trưởng đôi khi cũng chỉ là những lời có cánh, đẹp lòng chủ nhà.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *