Đời Sống 27/03/2014 20:29

Nông dân bỏ tiền tỷ làm vườn thượng uyển

FICA - Phá bỏ đào, quất - cây trồng truyền thống đã làm nên thương hiệu nổi tiếng suốt bao năm nay, những người nông dân ở làng Nhật Tân, Quảng Bá (Hà Nội) đã mạnh dạn bỏ hàng tỉ đồng xây các “vườn thượng uyển” với hi vọng thu lợi nhuận lớn.

Nông dân ồ ạt xây dựng vườn thượng uyển

Gần đây các tên gọi vườn cảnh, vườn thượng uyển, thung lũng hoa, vườn sinh thái …xuất hiện ngày càng phổ biến ở các làng Sen Tây Hồ, làng đào, quất Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng Bá. Người nông dân nơi đây đã lần lượt theo nhau phá bỏ các ô ruộng trồng đào, quất… chuyển sang việc xây dựng các “vườn thượng uyển đẹp như trong phim Hàn” phục vụ nhu cầu chụp ảnh, vui chơi, tham quan.

Theo ghi nhận tại P. Nhật Tân, P.Quảng Bá ngày 26/3, giữa những cánh đồng đào quất đầu mùa xơ xác là những nhà vườn nổi bật vừa thơ mộng vừa lung linh màu sắc.  

Các vườn cảnh ở Nhật Tân, Quảng Bá lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào.



Tại khu vườn thượng uyển mang tên Đồi thông Quảng Bá, lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào chủ yếu là giới trẻ đến tham quan và chụp ảnh. Vượn rộng khoảng hơn 3000 m2 với thiết kế rất hoành tráng gồm ao nước, hồ bơi, vườn hoa, cây cổ thụ, rừng thông nhỏ, núi non nhân tạo…

Ông Phạm Sỹ Thành, 46 tuổi là một nông dân chính hiệu tại làng Quảng Bá với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng quất, đào - chia sẻ về lý do ông quyết phá bỏ vườn đào, quất truyền thống bao năm để chuyển sang kinh doanh dịch vụ đặc biệt này: “Trồng quất, đào cực lắm, chăm bẵm cả năm mà có khi chỉ một cơn mưa, đợt sương muối thôi là công cốc cả năm trời nên chúng tôi muốn làm những thứ chắc chắn hơn vừa phù hợp với thị hiếu vừa thu được lợi nhuận cao”.

Để xậy dựng được Đồi thông gia đình ông Thành phải đầu tư hết hơn 1 tỉ đồng. Do không phải thuê đất nên số tiền trên chủ yếu đầu tư vào việc thuê kiến trúc sư thiết kế vườn, mua giống hoa, cây cảnh lạ mắt, thiết kế vòng quay, xích đu, ghế đá, hồ bơi, nhân công…

Theo ông Thành vườn được thiết kế chủ yếu để tham quan làm dịch vụ chụp ảnh nên cần phải đẹp và lãng mạn. Để tránh vườn xơ xác ông Thành phải thuê nhân công cắt tỉa và thường xuyên bổ sung thêm các loại hoa tạo sự mới mẻ, thích thú cho du khách.  

Ông Thành cho biết, thu nhập từ việc bán vé ra vào cửa cao hơn rất nhiều so với trồng đào, thu đậm nhất vào mùa hè, thu và mùa Tết, các mùa còn lại cũng làm ăn rất khá.



Tại cuối đường Nhật Chiêu, Thũng lũng hoa Hồ Tây cũng nườm nượp khách đến mua vé vào chụp ảnh. Tận dụng khu nước trũng chủ vườn đã biến nó trở thành một thung lũng hoa rực rỡ suốt bốn mùa. Thung lũng hoa rộng khoảng 5,5ha trải ra ngút ngàn với hoa cúc, hoa anh đào, hoa cẩm tú cầu, hoa sen… Điểm nhấn giữa thung lũng hoa là những chiếc cối xay gió được dựng tinh tế, những ngôi nhà nhỏ kiểu nông thôn Hà Lan đơn sơ tạo nên một khung cảnh yên bình và cuốn hút du khách.

Theo người quản lí Thung lũng hoa Hồ Tây, để có được một thung lũng hoa đẹp lộng lẫy vậy chủ vườn phải đầu tư cả chục tỉ đồng. Thung lũng lúc nào cũng phải có 30 - 50 nhân công giúp việc thu dọn vườn, cắt tỉa cành lá và thay hoa thường xuyên. Trong khuôn viên của thung lũng còn có cả nhà thay đồ, nhà vệ sinh, bãi gửi xe rồi nhà sàn để khách nghỉ ngơi.
 
Gần đây, xu hướng xây dựng các vườn cảnh mở dịch vụ tham quan chụp ảnh đang được chuộng, người nông dân đang ồ ạt phá bỏ những cây trồng truyền thống. Ngoài Nhật Tân, Quảng Bá thì nhiều nông dân ở các vùng khác như Long Biên, Vĩnh Tuy,… cũng đua nhau vay nợ hàng tỉ đồng thậm chí hàng chục tỉ đồng vào việc đầu xây vườn cảnh với hi vọng thu lợi nhuận lâu dài từ tiền bán vé.

Lợi nhuận cao

Thấy người dân khắp nơi đổ về Nhật Tân, Quảng Bá xin chụp ảnh nhờ cùng hoa đào, quất nên người nông dân nơi đây đã nảy ra ý định thiết kế các vườn thượng uyển thật đẹp để cung cấp dịch vụ chụp ảnh cưới, ảnh kỉ niệm bên cạnh việc tham quan, thư giãn.  

Công nhân làm vườn thay hoa, cây cảnh thường xuyên để tạo sức sống, mới mẻ cho vườn cảnh.


Ông Thành kể, ban đầu chỉ có vài hộ làm với quy mô nhỏ lẻ chủ yếu tận dụng các gốc đào có sẵn trong vườn, tuy nhiên sau này khách đổ về càng đông, tiền bán vé lời hơn hẳn thu nhập từ việc đầu tắt mặt tối trồng đào cả năm có khi còn mất trắng vì thời tiết không thuận lợi.

Ông Thành cho biết, thu nhập từ việc bán vé ra vào cửa cao hơn rất nhiều so với trồng đào, thu đậm nhất vào mùa hè, thu và mùa Tết, các mùa còn lại cũng làm ăn rất khá.

Được biết, giá vé vào cửa của Đồi thông Quảng Bá trung bình khoảng 20.000 đồng, sinh viên có thể được giảm giá xuống còn 5000 – 10.000 đồng. Riêng với các đoàn chụp ảnh cưới thì thu vé 200.000 – 300.000 đồng/lượt. Ngoài việc bán vé thì ông Thành còn thu tiền bãi gửi xe, quán nước… Theo ước tính, ngày đông nhất Đồi thông đón tiếp đến gần 700 – 800 người, ngày ít cũng được trăm người.

“Bội thu nhất là vào mùa thu, mùa hạ và thời điểm Tết, ngày lễ, cuối tuần tiết trời đẹp nên người đi chụp ảnh đông còn những ngày khác lượng khách cũng ổn định”, ông Thành chia sẻ.

Thung lũng hoa có giá vé vào cửa 50.000 đồng/người, các đoàn chụp ảnh cưới cũng khoảng 200.000 – 500.000 đồng/đoàn… Thung lũng hoa lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào, theo quản lí thì mùa hè khách đổ dồn về đây rất đông để thưởng thức sen mùa hạ với các dịch vụ: chụp ảnh, uống trà sen, hóng gió…

Đối với nhiều địa điểm chụp ảnh khác như vườn hoa Bách Nhật, vườn nhãn Vĩnh Tuy, vườn hoa cải Long Biên cũng được niêm yết giá khá phải chăng chỉ từ 10.000- 20.000 đồng/người, 50.000 – 100.000 đồng/đoàn. Nhiều địa điểm chụp hình, tham quan kiểu “sang chảnh” khác có giá rất đắt được tính theo từng giờ chụp, có nơi niêm yết tới 200.000 – 300.000 đồng/giờ/người…

Với mức giá vé thu như vậy thì có thể thấy lợi nhuận gấp 3, 4 lần so với việc làm nông dân trồng hoa.

Chính vì mức lợi nhuận nhìn thấy đó mà người nông dân đã ồ ạt rũ bỏ các loại cây trồng thương hiệu để chạy theo các nhu cầu mới của thị trường, làm giàu trên chính sự nhanh nhạy và sáng tạo của mình.

Nguy cơ mất thương hiệu đào Nhật Tân

Năm 2004, sở NN&PTNT TP.Hà Nội thành lập dự án Bảo tồn, xây dựng vườn đào Nhật Tân tại khu vực quận Tây Hồ. Dự án xây dựng vùng phát triển, bảo tồn gen hoa đào Nhật Tân đã được UBND TP.Hà Nội thông qua và bắt đầu thực hiện từ năm 2013. Tuy nhiên, trong khi dự án chưa có những hành động nào thiết thực thì người dân vùng trồng đào nổi tiếng Nhật Tân, Quảng Bá lại ồ ạt phá bỏ đào, quất để xây dựng các vườn cảnh sinh thái làm dịch vụ. Điều này sẽ ảnh hướng lớn đến việc bảo tồn và giữ nguồn gen gốc của đào Nhật Tân trong thời gian tới.

 

Hướng Dương

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *