Dòng chảy vốn 01/06/2015 12:16

Xuất khẩu lao động sang Saudi Arabia: Cẩn thận với lời hứa “lương cao, việc nhẹ”

Tỉ lệ rủi ro của LĐ giúp việc gia đình ở Saudi Arabia chiếm khoảng 10%. Tỉ lệ rủi ro dựa trên tổng số LĐ đang làm việc được đánh giá là thấp. Tuy nhiên, các vụ việc tương tự có thể gia tăng, cụ thể, trong năm 2014 có 60 vụ việc, khiếu nại của LĐ và 4 tháng đầu năm 2015 có 50 vụ việc, khiếu nại. 80% số vụ việc liên quan đến LĐ giúp việc gia đình. Thế nên, NLĐ sáng suốt trước khi quyết định và lường trước rủi ro khi sang xứ người làm “ô sin”.

Cẩn thận với lời hứa “lương cao, việc nhẹ”

 

Với mức lương tính ra tiền Việt Nam khoảng 6,6-7,1 triệu đồng/tháng, làm việc trong môi trường khác biệt về văn hóa, tôn giáo với nhiều rủi ro thì NLĐ nên cân nhắc. “Nếu thuận lợi, việc nhẹ, lương cao thì các nước Indonesia, Sri Lanka, Philippines... không thể rút LĐ về nước” - giám đốc một doanh nghiệp về XKLĐ, nhận định.

 

Chị Huỳnh Ngọc Bích bị chủ đánh bầm mặt vì không làm được việc khi bị ốm.Ảnh: L.Tuyết

 

Thế nhưng, thực tế hiện nay, lực lượng môi giới khi tiếp cận người lao động đều vẽ ra một tương lai đáng mơ ước khi sang làm “ô sin” bên xứ người. Chị Huỳnh Ngọc Bích, đang giúp việc nhà tại Saudi Arabia, người đang vay mượn 40 triệu đồng để được về nước, cũng là một “nạn nhân của cò”. 

Chị cho biết, chị được người môi giới vẽ ra một viễn cảnh màu hồng là sẽ tích lũy được khoảng 500 triệu đồng sau thời gian làm việc ở Saudi Arabia. Công việc cũng không hề nặng nhọc, chính vì thế, chị đã không ngần ngại đăng ký đi làm “ô sin” ở xứ người.

 

Cùng cảnh ngộ là chị Nguyễn Thị Nhàn (sinh năm 1987, quê Diễn Thái, Diễn Châu, Nghệ An) được một phụ nữ tên là Tuyết (ở Hà Nội) giới thiệu đi xuất khẩu lao động giúp việc ở Saudi Arabia. Theo lời chị Nhàn, bà Tuyết nói là đi làm sướng, không vất vả, ngủ nghỉ có thời gian. Khi chị Nhàn chưa đi, bà Tuyết thường xuyên gọi điện, đưa đi khám sức khỏe, cho tiền xe đi về, trước khi ra sân bay cho thêm 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi chị Nhàn đã sang Saudi Arabia, bà Tuyết không hề gọi điện hỏi han.

 

“Tôi sang làm cho chủ đầu được gần 10 ngày nhưng không thể chịu đựng được vì làm việc từ 6h sáng- 2h đêm, mỗi ngày chỉ được một cái bánh mì, ngủ thì phải nằm ở góc sân”, chị Nhàn ấm ức. Quá bức xúc, chị Nhàn đề nghị Cty giải quyết cho về, nhưng Cty yêu cầu nộp 3.000USD. Nhà nghèo, không có tiền nộp, chị Nhàn buộc phải ở lại làm việc và được đổi chủ khác.

 

Trong vai người lao động muốn sang Saudi Arabia làm việc nhà, chúng tôi được nhân viên của một Cty ở địa chỉ 82 Chu Văn An (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) tư vấn rằng: “Đi XKLĐ sang Ả Rập làm việc nhà, rất đơn giản. Chỉ cần làm hồ sơ là đi thôi. Muốn làm vườn hay việc nhà chị cũng được. Qua đó chủ lo tất cả”. Thắc mắc việc không biết ngôn ngữ, nhân viên ở Cty này nói rằng trung tâm sẽ hỗ trợ học tiếng: “Học tiếng lâu nhất là 3 tháng, mà nhanh thì 1 tháng. Muốn nhanh đi thì chị cho nhanh đi. Chỉ cần làm xong hộ chiếu, hồ sơ rồi gọi cho chị”.

 

Đặt trường hợp nếu muốn về sớm hơn hợp đồng vì những lý do khách quan, thì Cty có giải quyết? Nhân viên của Cty khẳng định, cứ báo về là Cty chuyển cho.

 

Quyền lựa chọn là của người lao động!

 

Ông Đặng Cao Thắng- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn Nghệ An có hơn 40 doanh nghiệp được cấp phép đưa LĐ đi nước ngoài. Trên cơ sở giấy phép của Bộ LĐTBXH, Sở LĐTBXH xem xét, giới thiệu về các địa bàn. Nghệ An được đánh giá là địa phương làm tốt công tác XKLĐ, hiện nay có khoảng 50.000LĐ đang làm việc ở nước ngoài. 

 

Theo ông Thắng, một số LĐ bị lừa đảo, bị rủi ro do NLĐ không hiểu biết, đi qua con đường du lịch, thăm thân, hoặc qua các đối tượng không được cấp phép, “cò”, đi các nước không có chương trình xuất khẩu lao động như Angola… Thời gian qua, sở có nhận được đơn thư của NLĐ giúp việc ở Saudi Arabia phản ánh việc ăn ở không đảm bảo, bị chậm lương, làm việc quá giờ… sở đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị kiểm tra, giải quyết, trả lời cho người lao động và báo cáo cơ quan chức năng. 

 

Trao đổi về việc tình trạng nữ LĐ giúp việc nhà sang Saudi Arabia giúp việc nhà bị đối xử bất công, làm việc kiệt sức, lương thấp… ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH cho rằng: Việc sang một nước nào đó làm việc là quyền lựa chọn của NLĐ bởi có thị trường lương 10 triệu, có thị trường lương 7 triệu. 

 

“Đi hay không là quyền của họ. Còn liên quan đến câu chuyện mà như thông tin là Indonesia xem xét cấm LĐ nữ sang làm việc ở Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia, ở Việt Nam thì vấn đề này thực tế chưa có đánh giá nào cụ thể” - ông Thiện nói.

 

Theo Tiền Phong

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *