Dòng chảy vốn 03/05/2015 16:01

Xin - cho tới bao giờ?

Báo chí trong nước đưa tin tại cuộc tọa đàm “Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 27-4, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cho rằng, chính sách nội địa hóa ngành công nghiệp này sẽ thất bại nếu không có thêm những điều chỉnh nhất định.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ô tô có tiếng ở Việt Nam lập luận “không có nước nào hoàn toàn mở toang cánh cửa mà họ đều có hàng rào bảo hộ”, rồi cho rằng “các bộ nên xem lại chính sách thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, nên có ưu đãi hơn với doanh nghiệp lắp ráp nếu đầu tư, sản xuất có hiệu quả”.

 

Có ít nhất ba vấn đề cần được lưu ý xung quanh chuyện xin - cho của doanh nghiệp ô tô.

 

Thứ nhất, đây không phải là lần đầu doanh nghiệp ô tô nội địa “xin” ưu đãi. Nhiều lần báo chí đưa tin các doanh nghiệp ô tô nội địa đề xuất gia hạn, giảm thuế và cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra rộng rãi trong việc ưu ái cho doanh nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, tốc độ phát triển ngành ô tô Việt Nam vẫn cứ ì ạch. Các doanh nghiệp mang tiếng là nhà sản xuất, nhưng bản chất là lắp ráp. Với đà này, nếu các bộ cứ “xin thì cho”, các doanh nghiệp sản xuất tô tô trong nước không có động lực vươn lên, ngành ô tô nội địa sẽ sớm chết vào năm 2018, khi thuế quan nhập khẩu chỉ còn 0%.

 

Thứ hai, nếu nói “không có nước nào hoàn toàn mở toang cánh cửa mà họ đều có hàng rào bảo hộ” trong bối cảnh Việt Nam tham gia WTO từ năm 2007 thì rõ là doanh nghiệp nội địa đang quá “cậy hơi” Nhà nước. WTO mở màn cho làn sóng mậu dịch tự do (FTAs) ùa vào Việt Nam. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam trong tâm thế sẵn sàng cạnh tranh, trong khi doanh nghiệp ô tô nội địa vẫn loay hoay dựa vào “bàn tay nhà nước”.

 

Thử nhìn sang doanh nghiệp sản xuất ô tô của các nước lân cận. Họ tận dụng ưu đãi của nhà nước để đầu tư phát triển hệ thống phụ trợ hoặc tự lực xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ để cung cấp yếu tố đầu vào cho sản xuất ô tô. Mỗi nhà sản xuất có đến vài trăm doanh nghiệp phụ trợ để có thể cho ra một chiếc ô tô vừa có giá rẻ, vừa đảm bảo chất lượng nhờ chuyên môn hóa. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi để “làm lời”, theo lối suy nghĩ tiểu nông rằng “lợi năm nào hay năm ấy”. Để rồi đến con ốc vít cũng phải nhập khẩu.

 

Khi các FTAs có hiệu lực, thử hỏi “xin - cho” có cứu được doanh nghiệp nội hay không?

 

Theo Phạm Văn

Saigontimes

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *