Dòng chảy vốn 07/03/2014 08:08

Xe không qua hầm vẫn bị thu phí

Hàng trăm xe bồn vận chuyển xăng dầu trên Quốc lộ 1A phải gánh hơn 2 triệu đồng/tháng/chiếc tiền phí trong khi không hề đi qua hầm đường bộ đèo Cả.

Ngày 6-3, ông Trình Quang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Nam Thiên Long (tỉnh Phú Yên), cho biết đang làm đơn khiếu nại lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Công ty CP Đầu tư Đèo Cả vì đã thu phí xe bồn vận chuyển xăng dầu của công ty này khi qua lại Trạm Thu phí Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ăn trên đầu trên cổ

Theo ông Nam, việc hầm đường bộ qua đèo Cả chỉ mới xây dựng nhưng đã thu phí hoàn vốn khi xe qua lại 2 trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) là điều không thể chấp nhận. Càng phi lý hơn là xe bồn chở xăng dầu sẽ không được phép qua hầm nhưng vẫn phải nộp phí.

“Chúng tôi đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi, giờ còn nộp phí khi qua trạm thu phí. Rõ ràng là phí chồng phí. Xe của chúng tôi chở chất cháy nổ, dẫu sau này hầm đèo Cả hoàn thành thì xe có được qua hầm đâu mà phải nộp phí. Phi lý hết sức!” - ông Nam bức xúc.

Xe bồn chở xăng dầu phải nộp phí hoàn vốn hầm đèo Cả tại Trạm Thu phí Bàn Thạch
Xe bồn chở xăng dầu phải nộp phí hoàn vốn hầm đèo Cả tại Trạm Thu phí Bàn Thạch

Đỉnh điểm khiến ông Nam bức xúc, làm đơn khiếu nại là 2 trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An nâng mức thu phí lên 1,5 lần so với quy định chung kể từ ngày 5-2-2014. Nếu như trước đây, mỗi xe bồn của ông khi qua lại Trạm Thu phí Bàn Thạch chỉ nộp 80.000 đồng thì nay đã lên 120.000 đồng. Trung bình mỗi xe bồn của ông Nam qua lại trạm thu phí Bàn Thạch 20 chuyến mỗi tháng. Trừ phí bảo trì đường bộ đã nộp là 1.050.000 đồng/tháng thì mỗi tháng, một xe bồn phải gánh thêm 2.400.000 đồng tiền phí qua trạm.

Ông Nam nhẩm tính công ty có 6 xe bồn, mỗi tháng vị chi doanh nghiệp mất đứt gần 15 triệu đồng tiền phí qua trạm một cách vô lý. Mặt khác, khi hầm đèo Cả hoàn thành, dù có cho phép thì xe ông và nhiều doanh nghiệp khác cũng không thể qua hầm. Các xe bồn của ông nhận xăng dầu từ cảng Vũng Rô (dưới đỉnh đèo Cả) để cung cấp cho các cây xăng ở tỉnh Phú Yên thì không thể chạy vòng hơn 10 km vào Khánh Hòa để qua hầm mà chỉ có thể đi đường đèo nên không thể nộp phí qua hầm đèo Cả.

Theo ông Nam, mỗi ngày có hàng trăm xe bồn qua lại 2 trạm thu phí Ninh An, Bàn Thạch và đều chịu chung số phận nộp phí hoàn vốn dự án hầm đèo Cả dù chưa và sẽ chẳng bao giờ chạy qua hầm. Riêng 4 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa đã có gần 100 xe bồn hằng ngày qua lại 2 trạm này.

Tại Trạm Thu phí Bàn Thạch, chỉ trong vòng 15 phút, chúng tôi ghi nhận 15 xe bồn chở xăng dầu qua lại. Tài xế Đặng Cao Hưởng, điều khiển xe bồn BKS 77C-00169 của Công ty Ánh Huyền (tỉnh Bình Định), bức xúc: “Họ ăn trên đầu trên cổ chúng tôi mà không ai can thiệp cả!”.

Trong khi đó, ông Lê Kim Hòa, Giám đốc Công ty CP Thương mại Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), cho biết công ty có 4 xe bồn chuyên chở xăng dầu. Từ ngày áp dụng phí bảo trì đường bộ rồi nâng mức thu phí qua trạm, cước vận chuyển đã đội lên 30%-40%.

“Đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi thì nhà nước nên bỏ phí qua trạm để cứu doanh nghiệp. Đằng này không bỏ lại còn tăng dù chúng tôi không qua hầm. Không thể chấp nhận được!” - ông Hòa bực bội.

“Bóp cổ” trước, xử lý sau

Về việc thu phí đối với xe bồn vận chuyển xăng dầu qua 2 trạm Ninh An và Bàn Thạch, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, nói: “Việc thu phí tôi không quan tâm vì đây là phần của nhà nước tham gia vốn đối ứng. Thu phí để nhà nước trừ dần vào vốn đóng góp của dự án”.

Trong khi đó, trên 2 trạm thu phí Ninh An và Bàn Thạch đều ghi dòng chữ “Trạm thu phí hoàn vốn dự án hầm đèo Cả”. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cũng trực tiếp đứng ra thu phí ở 2 trạm này.

Ông Hồ Minh Hoàng cũng thừa nhận xe chở xăng dầu khó có thể qua lại hầm đèo Cả sau này. “Tất cả các hầm đường bộ trên thế giới đều không cho các xe chở xăng dầu hoặc vật liệu nguy hiểm qua hầm nên Bộ GTVT cũng không cho. Nếu xây dựng hầm để có thể cho các xe chở xăng dầu qua lại sẽ tăng giá thành xây dựng hầm lên rất lớn” - ông Hoàng nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng: “Hầm đèo Cả được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Mà đã BOT thì Công ty Đèo Cả thu phí trong quá trình xây dựng vì đây là dự án rất lớn, mười mấy ngàn tỉ đồng để xây dựng cái hầm ấy nên cho phép thu phí trước, sau này thời gian thu phí sẽ ngắn lại. Tổng thời gian thu phí sẽ không thay đổi nhưng phải thu phí trước để có khoản tiền thực hiện dự án”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định bộ đang nghiên cứu hướng xử lý riêng đối với xe chở xăng dầu. Tùy vào tình hình cụ thể sẽ có hướng xử lý phù hợp với việc đã đóng phí hôm nay cho sau này.

Về khả năng hoàn tiền đối với xe vận chuyển xăng dầu, theo ông Trường, bộ sẽ có cách để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp. “Việc hoàn tiền hay không là cả một vấn đề, cả một phương án tổng thể, chứ không thể nói có hoàn hay không hoàn tiền ngay bây giờ được” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói. 


Thu phí cả xe sửa đường

Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên là đơn vị quản lý 13 km đường đèo Cả. Ông Phạm Văn Hóa, giám đốc công ty, cũng tỏ ra bức xúc trước việc thu phí xe vận chuyển xăng dầu. “Họ đi trên cung đường thuộc chúng tôi quản lý duy tu, chúng tôi không thu phí thì thôi chứ sao Công ty Đèo Cả lại thu. Tôi thấy phi lý lâu rồi nhưng chịu thua. Họ cứ lấy bộ ra nói là mình chẳng làm gì được” - ông Hóa bộc bạch. Ông này cho biết thêm để duy tu, sửa chữa 13 km đoạn đường đèo Cả, công ty phải thường xuyên chở người và vật liệu qua lại Trạm Thu phí Bàn Thạch. “Mình đi sửa chữa đường nhưng họ vẫn cứ đè cổ thu. Phản ứng thì họ lại bảo: Lên bộ trưởng mà nói, chứ có cục quản lý đường bộ thì chúng tôi vẫn thu”.


Theo Hồng Ánh

Người lao động

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *