Dòng chảy vốn 25/10/2015 15:56

Vụ lãnh đạo đường sắt nhận “lót tay” bạc tỉ: Bắt giam thêm 4 bị can

Để đảm bảo cho việc xét xử sơ thẩm vụ án lãnh đạo đường sắt nhận "lót tay" từ nhà thầu Nhật Bản JTC xảy ra tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt, TAND TP. Hà Nội đã tiến hành bắt tạm giam thêm 4 bị can.

Thông tin từ Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội (TAND TP.Hà Nội) cho hay, đơn vị này vừa ra lệnh bắt tạm giam thêm 4 bị can trong vụ án “6 cán bộ ngành đường sắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Như vậy, tất cả 6 bị can trong vụ án đều đã bị tạm giam để đảm bảo cho công tác tổ chức phiên tòa xét xử được mở vào ngày 26/10 tới.


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Cụ thể, 4 bị cáo bị TAND TP.Hà Nội ra lệnh bắt tạm giam gồm: Trần Văn Lục (sinh năm 1958, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Trần Quốc Đông (sinh năm 1964, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (sinh năm 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU).

Trước đó 2 bị cáo đã bị bắt giam là Phạm Hải Bằng (sinh năm 1969, nguyên Phó Giám đốc RPMU) và Nguyễn Nam Thái (sinh năm 1977, nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU) đều bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 26 đến hết ngày 27/10. Thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP. Hà Nội) làm chủ tọa. Có 8 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo trước tòa.

Theo cáo trạng, ngày 31/10/2008, Bộ GTVT phê duyệt Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), giao Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (viết tắt là RPMU) làm Chủ đầu tư, ông Phạm Hải Bằng được giao làm Chủ nhiệm dự án. Ông Bằng có thẩm quyền là đầu mối quản lý toàn bộ lĩnh vực liên quan đến  quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, tổ chức và trực tiếp thực hiện các công việc của dự án.

Đến tháng 9/2009, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với liên doanh do Cty tư vấn giao thông Nhật Bản (viết tắt JTC) đứng đầu. Hợp đồng được định giá hơn 2,9 tỉ yen và 320 tỉ đồng.

Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, ông Bằng trực tiếp thỏa thuận với đại diện nhà thầu JTC, với mong muốn JTC hỗ trợ cho RPMU các khoản tiền liên quan đến quá trình triển khai dự án. Ngay sau khi được “gợi ý”, phía JTC đã nhận lời và chuyển cho Bằng cùng các đồng phạm liên quan 11 tỉ đồng. Cơ quan chức năng xác định, số tiền trên đã được “hợp lý hóa” vào các hạng mục tiếp khách, hiếu hỉ, đi lại, làm ngoài giờ.

Theo Nam Phong
Một thế giới

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *