Dòng chảy vốn 06/11/2013 18:03

Vụ EVN đưa biệt thự vào giá điện: Đại biểu Quốc hội "phê bình" truyền thông

FICA - Theo Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (Nghệ An), qua tìm hiểu và tham khảo ý kiến của một đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế của Quốc hội thì thông tin EVN tính chi phí xây nhà ở, biệt thự, sân tennis... vào giá điện là thiếu tính chính xác.

Trên website chính thức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều ngày 5/11 có đăng chi tiết bài phát biểu của Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An) phát biểu đóng góp ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2014.

Bài phát biểu này có đoạn: "Là một doanh nhân, tôi đề nghị các cơ quan quản lý, các đơn vị truyền thông cần chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân; đặc biệt doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ khủng hoảng. Chẳng hạn, vừa qua một số báo đăng tin EVN đã hạch toán chi phí xây dựng nhà ở, biệt thự, sân tennis vào giá điện. Về vấn đề này, tôi đã tìm hiểu và tham khảo ý kiến của một đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế của Quốc hội thì thấy rằng thông tin này thiếu tính chính xác. Nhưng rất tiếc, nó đã tạo ra dư luận không tốt về doanh nghiệp, doanh nhân".
 
Theo Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, có một thời, báo chí đã từng ca ngợi: “Doanh nhân là người lính của thời bình”. Do đó, ông hy vọng rằng, sự thấu hiểu về doanh nghiệp, doanh nhân, thông tin minh bạch về doanh nghiệp, doanh nhân cũng là việc làm thiết thực góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển.

Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, hàng loạt tờ báo có đăng tải thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc công ty mẹ EVN đã sử dụng trên 355.000 m2 đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên gồm nhà biệt thự đơn lập, song lập, sân tennis, bể bơi… với tổng giá trị gần 600 tỷ đồng. Khoản chi phí này được Bộ Công thương và EVN thống nhất đưa vào khoản mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nằm trong tổng mức đầu tư của các dự án nguồn điện. Chi phí này sau đó được đưa vào tính trong giá bán điện, theo Thanh tra Chính phủ, là không đúng quy định.

Về phía mình EVN, trong thông cáo phát đi sau đó, Tập đoàn này khẳng định, những khoản đầu tư này được hạch toán riêng, không liên quan đến chi phí giá thành điện. Theo EVN, để thu hút những cán bộ công nhân, kỹ sư có trình độ cao về làm việc tại các nhà máy trong các điều kiện khó khăn nên các nhà máy điện đều phải có khu Quản lý vận hành sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân. Những nhà ở này thực chất là nhà ở công vụ, khi cán bộ công nhân không làm việc ở nhà máy phải trả lại nhà và ra khỏi khu Quản lý vận hành/nhà công vụ này. Các nhà ở biệt thự đơn lập, song lập được xây dựng cho các chuyên gia sinh sống trong quá trình thi công nhà máy, sau khi nhà máy xây dựng xong, các chuyên gia không ở nữa sẽ chuyển thành nhà khách cho khách đến làm việc hoặc nhà ở phục vụ quản lý vận hành.

Phát biểu về vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 4/11, đại diện cơ quan chủ quản Bộ Công thương, ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực cho biết, kết luận của Thanh tra mới chỉ là ý kiến ban đầu. Theo quy định, kết luận của thanh tra được trình lên và các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến thì Thủ tướng Chính phủ mới đưa ra kết luận cuối cùng.
 
Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, sau khi có ý kiến kết luận chính thức của Chính phủ, chắc chắn Bộ Công Thương sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý các sai sót do chủ quan. Còn các vấn đề do khách quan, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có hướng khắc phục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo giá điện bán cho người tiêu dùng đúng bản chất.

Cao Minh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *