Dòng chảy vốn 08/10/2015 16:13

Vốn ngoại sẽ dồn dập vào Việt Nam sau TPP?

FICA - Nhờ thuế xuất khẩu giảm, chính sách thị trường chunng và đặc biệt là chi phí sản xuất nội địa thấp, chắc chắn trong thời gian tới, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ sau Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã nhận định như vậy khi trao đổi với Dân trí về cơ hội thu hút FDI sau TPP.

G.S Nguyễn Mại, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch VAFIE
G.S Nguyễn Mại, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch VAFIE
 

Nhiều chuyên gia kỳ vọng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng cao sau khi TPP được ký kết, ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

TPP là sân chơi toàn các nước lớn, có trình độ phát triển cao vượt trội, nơi có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trú ngụ, nếu đơn thuần, ở đâu có lợi họ sẽ bỏ vốn đầu tư. TPP đang tạo ra một sân chơi phẳng, nơi các yếu tố trình độ phát triển đang bị xóa mờ, các thị trường là như nhau như tự do hóa thương mại, chính sách thị trường, đầu tư, môi trường kinh doanh… đều có yếu tố chung, đồng nhất.

Lợi thế của nền kinh tế Việt Nam là trình độ phát triển kém hơn hẳn, chi phí thấp, hệ số sinh lời vốn đầu tư cao… Được cộng hưởng với các yếu tố thị trường chung, đồng nhất trên, chắc chắn các DN lớn sẽ đổ tiền vào đầu tư tại Việt Nam khi TPP có hiệu lực nhằm tận dụng các lợi thế.

Vậy ngành nào sẽ thu hút FDI nhiều hơn và tại sao, thưa ông?

Công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, điện và điện tử sẽ là những ngành hút vốn FDI nhiều nhất khi TPP được hoàn tất ký kết.

Như chúng ta đã biết, trong 30 chương của hiệp định, dệt may sẽ được gỡ bỏ ngay thuế quan bằng 0% ngay khi TPP được 12 nước ký kết chính thức. Đây là lợi thế lớn nhất cho Việt Nam và dường như đoán trước được điều này, từ 8 tháng qua, FDI đổ vào dệt may rất lớn với nhiều dự án lên tới nửa tỷ USD vào dệt, nhuộm và xơ sợi…

Công nghiệp chế tạo, gia công điện tử và  công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản là lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao, với hàng rào thuế quan được xóa bỏ… vào các nước Mỹ, Nhật, Úc những thị trường nhập khẩu lớn sẽ là cơ hội thu hút các nhà đầu tư theo chân các hãng điện tử lớn như Intel, Microsoft, Samsung, Nokia, LG… vào Việt Nam.

Việt Nam cũng được coi trọng là thị trường mới nổi và địa điểm lý tưởng để gia công phần mềm. Trong nhiều năm qua, gia công phần mềm tại Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng lớn từ Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản và Mỹ… Tôi hy vọng, các chính sách về sở hữu trí tuệ của TPP được thiết lập, chắc chắn ngành này sẽ hút vốn đầu  tư lớn khi chúng ta đã và đang xây dựng được những nền móng về nhân lực, cơ sở ngành này tại TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội…

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ dồn dập để tận dụng lợi thế mang lại từ TPP như điều chúng ta thấy được sau khi Việt Nam gia nhập WTO?

Tôi nghĩ, thu hút FDI hậu TPP sẽ khác với FDI hậu WTO mà Việt Nam gia nhập năm 2006.  WTO là hiệp định tự do đa phương bản lề, nơi Việt Nam lần đầu tiên mở cánh cửa giao thương  và đầu tư với gần 200 quốc gia. Từ năm 2006 – 2010, là những năm Việt Nam đón nhận làn sóng FDI vào như vũ bão trong tất cả các ngành. Tâm lý nhà đầu tư hồ hởi và thị trường mới với nhiều hứa hẹn kinh doanh tốt lành đã khiến Việt Nam là điểm sáng thu hút FDI và sau đó nhiều năm sau, vốn đăng ký và giải ngân là rất lớn.

Lần này, khi TPP mở ra với thị trường 12 nước đối tác hai bờ Thái Bình dương, mặc dù có nhiều chính sách và luật lệ vượt qua các hiệp định thương mại song và đa phương, song nó vẫn chỉ dừng lại và nâng cao hơn các vấn đề tự do hóa thương mại, tiếp cận thị trường phi rào cản hay chính sách chung… mà nhiều FTA Việt Nam đã tham gia trước đó thông qua các cơ chế hợp tác của ASEAN, FTA Việt Nam – EU, Nhật Bản, Việt Nam - Ấn Độ…

Điểm cốt yếu nhất của TPP chính là một thị trường với hàng xuất khẩu rẻ hơn và môi trường kinh doanh với các chính sách, luật chơi chung có tính hiện đại, điều này sẽ gián tiếp giúp các dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ dồn về Việt Nam được dự đoán tăng hơn về chất. Còn về lượng, chúng ta hãy chờ các dự án của các tập đoàn lớn về Việt Nam trong tính toán của họ.

Có nên xem TPP như chiếc đũa thần trong thu hút và tận dụng vốn FDI  cũng như cải cách nền kinh tế Việt Nam thời gian tới?

Thu hút và tận dụng vốn FDI làm sao cho hiệu quả và đúng mục đích là điều luôn được đem ra bàn bạc từ gần 30 năm đổi mới đến nay. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói chúng ta chỉ mới tận dụng FDI ở khía cạnh giải quyết lao động - việc làm, tăng xuất khẩu sang các thị trường khác nhờ ưu đãi thuế quan qua các hiệp định thương mại tự do song và đa phương.

TPP cũng là 1 trong rất nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực mà Việt Nam đã ký kết và tham gia nên chúng ta không nên coi nó là chiếc đũa thần hoặc kỳ vọng quá cao vào nó để có thể thay đổi được nền kinh tế từ đây. Cái chính vẫn ở cách chúng ta chơi và những người chúng ta chọn ra để chơi với họ. Cần phổ biến cho người dân, doanh nghiệp hiểu về TPP là gì và thực sự chủ động trong cuộc chơi này. Ngoài những màu hồng, phải chỉ cho họ những góc tối, điểm mờ được gọi tên là những thách thức và khó khăn không hề nhỏ.

Người nông dân chăn nuôi cần được hiểu và tự ý thức TPP sẽ là đòn giáng mạnh vào thị trường của họ, báo cho họ thay đổi kế hoạch kinh doanh trước viễn cảnh thịt của Úc, Mỹ giá rẻ tràn ngập Việt Nam, để họ chuyển hướng đầu tư, thay đổi phương cách, phòng trước thay vì chống  sau khi cơn lũ từ TPP.

Tận dụng TPP sao cho hiệu quả và đúng mục đích như ta mong muốn là câu hỏi rất khó. Hàn Quốc trước kia đã tận dụng rất tốt luồng vốn FDI để xây dựng cơ sở, mắt xích cho các doanh nghiệp nội địa của họ thành như ngày nay. Singapore có chính sách thu hút và sử dụng rất tốt FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ tài chính để trở thành trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới sau khi mở cửa. Còn Việt Nam, chỉ riêng ngành kinh tế biển, công nghiệp – logictics và dịch vụ du lịch… đang là hướng thu hút FDI mới hứa hẹn nhiều kết quả hậu TPP.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *