Dòng chảy vốn 02/11/2013 07:47

Vinashin vẫn đau đáu khoản lãi 1 triệu đô/ngày

“Nếu không tái cơ cấu nợ xong mà khoản nợ trên 18.000 tỷ còn nguyên thì mỗi ngày, Vinashin phải gánh lãi phát sinh trên số nợ đó tối thiểu 20 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD), một năm là 360 triệu USD.

Nói về khoản nợ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin trước đây), trả lời báo Công thương, ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch tập đoàn, cho hay, đến nay, các khoản nợ của Vinashin cơ bản đã giải quyết xong. Tổng số nợ của toàn tập đoàn khi ông về lãnh đạo lên tới trên 80.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4 tỷ USD). Theo chương trình tái cơ cấu, đến nay gói nợ cuối cùng là khoảng 18.000 tỷ đồng nợ trong nước - cơ bản sẽ được giải quyết vào cuối năm 2013, cùng lắm là đến đầu năm 2014 thông qua phát hành trái phiếu mới.

"Nếu không tái cơ cấu nợ xong mà khoản nợ trên 18.000 tỷ còn nguyên thì mỗi ngày, Vinashin phải gánh lãi phát sinh trên số nợ đó tối thiểu 20 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD), một năm là 360 triệu USD", ông Sự nói.

{keywords}

Bên cạnh đó, vừa qua, Vinashin đã phát hành 600 triệu USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu. Khi tái cơ cấu xong, khoản nợ nước ngoài từ trước tới nay sẽ xóa hết.

Sau khi chuyển đổi mô hình, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) chỉ tập trung vào ngành nghề duy nhất: đóng tàu. SBIC giữ lại 8 DN chủ lực, chiếm tới 70 đến 80% tổng năng lực đóng tàu toàn quốc, thay vì 200 DN như trước nhưng phần lớn là hoạt động ngoài ngành. Vừa qua, lãnh đạo Vinashin đã đàm phán với một tập đoàn của Hà Lan. Dự kiến, phía đối tác Hà Lan sẽ mua cổ phần của 8 nhà máy, chuyển tàu sang cho các đơn vị đóng dưới sự kiểm soát, chỉ đạo của đối tác.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, khoản vay 600 triệu USD mà Vinashin từng phát hành trái phiếu và có sự bảo lãnh của nhà nước thì vẫn là SBIC phải trả. Bởi vì, bản chất đó vẫn là một doanh nghiệp. Trừ khi, doanh nghiệp đó bị xóa bỏ, thành lập một doanh nghiệp khác thì mới thay đổi.

Thậm chí, ông Thành cho rằng, vấn đề của Vinashin không ở việc "thay tên đổi họ", mà là sẽ làm gì khi tái cơ cấu. "Thương hiệu của Vinashin không phải là quá xấu để đến mức phải bức bối đổi tên", ông trả lời trên motthegioi.vn.

Ông Thành lưu ý, tới đây, tổng công ty mới cần tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đóng tàu. Qua đây, cũng cần rút kinh nghiệm, bỏ bớt những cái tên tập đoàn, vì vừa qua thí điểm tập đoàn nhưng cách làm chỉ là tập trung các công ty con lại mà đôi khi, lĩnh vực hoạt động lại không dính dáng gì đến nhau.

Theo VEF

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *