Dòng chảy vốn 30/05/2015 17:28

Việt Nam sẽ là công xưởng mới của thế giới: Khi nào là thời điểm thích hợp?

TS Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đã khẳng định: Việt Nam phải trở thành công xưởng mới của thế giới. Vậy thời điểm nào để triển khai “công xưởng” này?

Khởi điểm là một “cấu phần phòng rủi ro” của công xưởng thế giới” trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam hôm nay đang hội tụ đủ các yếu tố để có thể vươn lên trở thành công xưởng thực thụ. Vấn đề là khi nào?

Cấu phần của “công xưởng”

Một điều có thể thấy rất rõ ràng là làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang VN và các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia gần đây, đã cho thấy Trung Quốc không còn được xem là công xưởng chính của thế giới. Người láng giềng mất đi vị thế này vì nhiều nguyên do, trong đó có yếu tố mất lợi thế chi phí lao động rẻ.

Làn sóng đầu tư thứ ba xuất hiện với việc chọn VN làm vùng trũng như một địa chỉ đầu tư đích thực - không còn mang tính “dự phòng-;điều đó đã xác lập vị thế mới của VN. Và rất quan trọng, là xác lập cơ hội từ một phân xưởng vươn lên trở thành công xưởng, khi VN sở hữu tổng dân số tiệm cận 100 triệu dân (rất hấp dẫn cho FDI khai thác thị trường) và chi phí nhân công lao động vẫn còn ở mức thấp (phù hợp với mục tiêu FDI khai thác tài nguyên nhân lực).

Đón làn sóng thứ ba với định hướng rõ ràng và chiến lược trở thành công xưởng có tiếng nói trong chuỗi cung ứng toàn cầu, VN giờ đây đã chủ động hơn trong thu hút đầu tư FDI một cách chất lượng, cũng như, mở cửa thị trường vốn để hấp dẫn vốn đầu tư FII bền vững, như một động lực khác cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cho DN và bổ trợ cho thu hút FDI.

Nhưng, thách thức để thoát khỏi hình ảnh “phân xưởng” – của một mô hình kinh tế từ gia tăng cơ học chuyển đổi sang nâng cao năng suất của các yếu tố đầu vào thì vẫn còn nguyên vẹn đó. VN chỉ mới được bật đèn xanh và vẫn còn cách “cột đèn” công xưởng thế giới một khoảng cách.

Theo thống kê của Maybank KE, hiện nay, thu hút FDI đang chiếm 5% GDP VN. Tuy nhiên, nguồn FDI trong ASEAN mới chỉ chiếm 17%.  “Cơ hội để tăng cao thu hút đầu tư nội khối ASEAN của VN tin rằng sẽ còn tăng cao trong tương lai, khi các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cho phép lưu thông tự do hơn về hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn, giúp khơi thông vốn của khu vực kinh tế”, ông John Chong lạc quan.

VN cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng trọng yếu, đầu tư vào thị trường vốn và vốn con người, đẩy mạnh tái cấu trúc cũng như thúc đẩy cổ phần hóa các DNNN.

Trả lời cho câu hỏi bao giờ VN mới trở thành công xưởng mới của thế giới, ông John Chong khẳng định: “VN cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng trọng yếu, đầu tư vào thị trường vốn và vốn con người, đẩy mạnh tái cấu trúc cũng như thúc đẩy cổ phần hóa các DNNN. Đây là hướng đi đúng cho VN trong  hiện nay và tương lai. Nhưng việc trở thành công xưởng mới của thế giới vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào VN, vào chiến lược VN theo đuổi. Cùng với đó, vấn đề then chốt là thực hiện chiến lược đã lựa chọn, theo lộ trình như thế nào”.

Cần thêm thời gian

Nhìn chung, cần thời gian hơn vẫn là “từ khóa” được các kinh tế gia sử dụng, để dự báo về thời điểm VN có thể trở thành công xưởng mới, “mắt xích” quan trọng không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.  Muốn đạt tới mục tiêu như vậy, nói như GS Vũ Minh Khương, GS Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH quốc gia Singapore), điều tiên quyết bắt buộc vẫn là phải  “dựa vào nội lực”!

Cũng hệt như việc sở hữu vị thế chiến lược đang vừa là ưu thế, lại vừa là thế kẹt khi nằm giữa hai hai nền kinh tế lớn của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, VN đang phải đứng giữa bài toán lựa chọn trong tiến trình mục tiêu công xưởng mới của thế giới. Đó là bài toán cần thời gian để củng cố nội lực, để tận dụng các yếu tố các hội tụ, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đặc biệt chất lượng nhân lực trong xu thế bắt buộc vẫn phải giữ chi phí nhân công lao động hợp lí – nhưng lại không thể để thiệt thòi cho người lao động và tụt mãi ở ngưỡng thâm dụng lao động giá rẻ, đặc biệt cũng không quá chậm để vuột mất cơ hội đang đến nhanh và có thể qua nhanh khi cộng đồng ASEAN thành lập và Hiệp định FTA được kí kết. 

“Công xưởng mới” gồm những lĩnh vực gì?

Trong bài viết đăng trên Bloomberg, tác giả Andy Mukherjee cho rằng cơ hội nổi lên thành công xưởng của thế giới, sản xuất những mặt hàng có hàm lượng sức lao động cao, đã bắt đầu từ sự thay đổi trong cơ cấu hàng xuất khẩu của VN. Các sản phẩm xuất khẩu thô trước đây chiếm tỷ trọng lớn nay suy giảm dần vai trò. Theo đó, xuất khẩu, dày giép, gỗ… - những ngành đòi hỏi kĩ năng lao động, kĩ thuật, và ngày càng đòi hỏi hàm lượng chất xám sáng tạo… đang tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và có thể vượt qua những ngành chưa tìm được hướng đi tinh chế, chế biến sâu với giá trị gia tăng cao như cà phê, gạo, thủy sản… Mặt khác, bức tranh công xưởng mới cũng được kì vọng sẽ lắp ghép mảng màu sản xuất  công nghiệp điện tử, cũng với sự hiện diện của TNC đã và đang tiếp tục đầu tư với cam kết dài hạn ở VN, tuy rằng, kì vọng này không trùng nội hàm chúng ta sẽ cạnh tranh mảng ghép màu này cùng Ấn Độ.

Với xu hướng và những “mảng miếng” trong bức tranh công xưởng, tập trung vào các ngành hàng sản xuất hàng hóa dịch vụ tiêu dùng và cao hơn, là công nghiệp điện tử… việc tiếp cận công nghệ tiên tiên và công nghệ cao không có nghĩa VN có thể sẽ “đột phá” một giấc mơ trở thành công xưởng công nghệ cao như Đài Loan, hay “chớp thời cơ” đẩy Ấn Độ tụt khỏi tầm với công xưởng sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin mới của toàn cầu.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *