Dòng chảy vốn 08/11/2013 16:31

Việt Nam bật khỏi “Club 7%”

Có lẽ bây giờ chính là thời điểm không nên duy trì tư duy là nền kinh tế phải nhất nhất quay trở lại mức tăng trưởng 7% - 8% như trước đây, ít nhất là trong giai đoạn ngắn hạn một vài năm tới.

Tiềm năng tăng trưởng thực sự đã vào thời kỳ thấp hơn?

Không nhớ rõ cụm từ “Club 7%” - Câu lạc bộ những nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng GDP 7%/năm được ai nói tới đầu tiên và xuất hiện từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng Việt Nam đã từng là một thành viên trong số đó. Và chính mức tiềm năng này đã trở thành một trong những yếu tố thu hút vốn đầu tư nước ngoài vài năm trước đây.

Song, lợi thế trên, những năm gần đây, đã không còn được duy trì bền vững.

 

Nếu nhìn và so sánh bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với các nước trong khu vực và toàn cầu, từ 2008 đến nay, sẽ thấy một điểm khá tương đồng là khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu và khu vực suy giảm thì Việt Nam cũng suy giảm và ngược lại. Quy luật ấy có thể mang tới một hàm ý: Vậy, thì cứ yên tâm, khi nào kinh tế toàn cầu và khu vực hồi phục mạnh thì tất yếu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ trở lại mức tiềm năng mà nhiều người tin rằng phải ở mức 7% - 8% trước đây. Nhưng thực tế có lẽ không như vậy.

Ngày càng có nhiều đánh giá của các chuyên gia cho rằng, Việt Nam thực sự đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng thấp hơn và mức tiềm năng hiện nay chỉ còn vào khoảng 5,5% - 6%. Thực ra, không chỉ Việt Nam rơi vào hoàn cảnh này.

Trên thực tế, từ năm 2011 đến 2013 và hướng đến 2014, các nước phát triển cũng chưa phục hồi được mức tăng trưởng tiềm năng 3% của họ. Trong danh sách các quốc gia được coi là “đang phát triển mới nổi” thì ngoài Việt Nam, 2 nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ cũng không hồi phục được theo mức tăng trưởng tiềm năng được xác định trước đây. 

Còn những nền kinh tế châu Á khác, đặc biệt trong khu vực ASEAN thì năm 2013 và 2014 là thời điểm được kỳ vọng sẽ phục hồi được tốc độ tăng trưởng tiềm năng của họ.

“Một trong những thách thức lớn của Việt Nam cũng như Ấn Độ hiện nay là nền kinh tế đang bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp hơn. Đơn cử như Việt Nam, mức tiềm năng không còn cao tới 8% như trước đây mà có lẽ chỉ còn 5,5% - 6%” - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành – Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định.

Đồng tình với quan điểm tiềm năng tăng trưởng đang giảm sút, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh doanh cho rằng, Việt Nam sẽ không dễ dàng lấy lại đà tăng trưởng cao trở lại như trước đây. "Nếu đang đi trên một con đường bằng phẳng mà mệt thì ta có thể ngồi xuống nghỉ một chốc, rồi lại dễ dàng đứng lên đi tiếp. Song nếu đó là con đường gập ghềnh mà chúng ta lại vấp hố thì việc đứng lên và thoát khỏi hố bùn đó là một việc không hề dễ dàng” – TS. Nghĩa ví von để nói về bối cảnh làm cho nền kinh tế "khó” phục hồi đà tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam hiện nay.

Cần thay đổi tư duy điều hành kinh tế

Có lẽ bây giờ chính là thời điểm không nên duy trì tư duy là nền kinh tế phải nhất nhất quay trở lại mức tăng trưởng 7% - 8% như trước đây, ít nhất là trong giai đoạn ngắn hạn một vài năm tới. Bởi nếu cứ tư duy theo kiểu nhất định phải đạt được như vậy, sẽ gây áp lực rất lớn đến các hoạt động điều hành chính sách kinh tế trong thực tiễn và có thể sẽ khiến những nỗ lực thực hiện cải cách kinh tế mà chúng ta rất quyết tâm hiện nay không mang lại kết quả.

Thậm chí có thể gây ra những bất ổn vĩ mô và thị trường; gây méo mó các nguồn lực phát triển và đầu ra của chính sách sẽ đem lại hậu quả lớn hơn hiệu quả; tác động tiêu cực lớn hơn tác động tích cực…

Như vậy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011- 2015) - mà chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường - cũng cần cần mạnh mẽ chỉ ra những thách thức khó khăn, đánh giá cho hết những tác động trong ngoài để từ đó điều chỉnh lại mức tăng trưởng dự kiến cho hợp lý.

Khi đã hình thành tư duy mới chấp nhận tăng trưởng thấp hơn để thực hiện các mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm đặt ra hiện nay: tái cơ cấu DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng và đầu tư công, thì cung cách điều hành cũng cần có những thay đổi.

Ông Nguyễn Xuân Thành phân tích: với mức tăng trưởng tiềm năng thấp đi như vậy, dù chúng ta có thể kích cầu, có thể nới lỏng các chính sách để hỗ trợ tăng trưởng thì cùng lắm cũng chỉ đạt được mức tăng trưởng tiềm năng như vậy - tức 5,5%-6% (PV).

“Còn nếu cứ cố để vượt quá mức ấy thì các bất ổn sẽ lại tái diễn” – ông Nguyễn Xuân Thành cảnh báo.

Nhưng, theo nhiều chuyên gia, mức tăng trưởng GDP 5,5%-6%/năm dù được coi chấp nhận được trong giai đoạn hiện nay, nhưng xét về trung hạn thì với tư cách là một thị trường đang nổi, một nền kinh tế đang lên như Việt Nam thì lại chưa “ổn” trong mục tiêu thu hẹp khoảng cách mức hưởng thụ của người dân với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Trong các chính sách điều hành, việc phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ tuy là câu chuyện đã nói nhiều nhưng vẫn cần đề cập và vận dụng phù hợp trong từng giai đoạn, trong từng năm một. 

Như TS. Nghĩa từng chia sẻ: Ngay chính sách điều hành giai đoạn một năm, khi đầu năm hoạt động sản xuất kinh doanh chưa sôi động, tín dụng chưa tăng nhiều thì cần “kích” và tập trung nhiều hơn về mảng tài khóa, thúc đẩy các dự án đầu tư công để giữ và thúc đẩy tăng trưởng. 

Nửa cuối năm chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn cho phần tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng… Đấy là một trong những cách để phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cho hiệu quả.

Theo Đỗ Lê

Thời báo Ngân hàng

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *