Dòng chảy vốn 05/05/2015 12:35

Việt – Hàn chính thức ký hiệp định thương mại tự do

FICA - Sáng nay 5/5 tại Hà Nội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang Jick đã đặt bút ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).

VKFTA được ký kết sau hơn 2 năm với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất toàn bộ nội dung Hiệp định VKFTA.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều quan khách Việt Nam, Hàn Quốc tham dự và chứng kiến lễ ký kết.

 

VKFTA được đánh giá là FTA có tính toàn diện, có mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, Hiệp định gồm 17 Chương, 208 Điều, 15 Phụ lục và 1 Thỏa thuận thực thi quy định.

 

Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hoá, Thương mại Dịch, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lý…

 

Hiệp định VKFTA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số 8 Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế lớn trong đó có ba nước Nga – Belarus – Kazhactan, EU, Nhật Bản…

 

Quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian gần đây không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập siêu khá lớn từ thị trường này. Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc đạt hơn 28,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch hơn 7,1 tỷ USD. Cũng năm 2014, Hàn Quốc là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với số vốn 7,32 tỷ USD.

 

Về hàng hóa và mức thuế trong VKFTA, theo Bộ Công thương, Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, 95,4% số dòng thuế, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của VN như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

 

Ngược lại, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000cc trở lên, phụ tùng ôtô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện...

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *