Dòng chảy vốn 29/03/2014 16:36

Vì sao JTC phải hối lộ để trúng thầu dự án tại Việt Nam?

FICA - JTC tham gia các dự án giao thông của Việt Nam từ năm 1993 và trúng thầu trong nhiều dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 chỉ có JTC dự thầu, vậy vì sao lại phải hối lộ để “chạy” dự án?

Qua tìm hiểu cho thấy, JTC là một nhà thầu lớn đã có mặt tại Việt Nam từ những năm 1993 và tham gia thi công nhiều dự án giao thông.

Với Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (giai đoạn 1),tổng mức đầu tư của dự án là 19.460 tỷ đồng (gần 14.000 tỷ vay JICA, còn lại là đối ứng). Dự án do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) là chủ đầu tư, quản lý dự án là Ban Quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc ĐSVN, tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2008 - 2017.

Ở giai đoạn này, Dự án đã ký hiệp định vay JICA lần 1 với giá trị 4,683 tỷ Yên cho công tác thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu. ĐSVN đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn từ tháng 4/2008, báo cáo Bộ GTVT phê duyệt kết quả đấu thầu cho liên danh tư vấn do JTC đứng đầu, liên danh với các công ty Nhật Bản khác và một số Công ty tư vấn Việt Nam. Giá trúng thầu là hơn 2,9 tỷ Yên và hơn 320,5 tỷ đồng. RPMU và liên danh tư vấn đã ký hợp đồng ngày 9/9/2009, thời gian thực hiện từ 1/10/2009 - 30/11/2011.

Từ năm 1993 đến nay, JTC đã tham gia thực hiện nhiều dự án của Việt Nam
Từ năm 1993 đến nay, JTC đã tham gia thực hiện nhiều dự án của Việt Nam
(ảnh: Báo GTVT)

Tuy nhiên, tại cuộc đấu thầu này (đấu thầu 2 bước), tại vòng sơ tuyển, có 4 liên danh nhà thầu Việt Nam - Nhật Bản mua hồ sơ dự thầu. Sau khi đánh giá kết quả sơ tuyển, còn lại 3 nhà thầu, trong đó liên danh có JTC là nhà thầu chính là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.

Điều đáng nói ở đây là, JTC thỏa mãn các điều kiện cần và đủ để tham gia đấu thầu dự án, khi dự thầu JTC “một mình một sân khấu” thì kết quả trúng thầu cũng là chuyện đương nhiên. Vậy tại sao nhà thầu JTC lại phải có thêm “động tác” gọi là hối lộ?

Về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT - cho biết: Sau khi rà soát sơ bộ quá trình đấu thầu chưa phát hiện những dấu hiệu bất thường nào trong việc thực hiện quy trình tuyển chọn nhà thầu theo quy định của Việt Nam cũng như hướng dẫn của nhà tài trợ JICA.

Lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng giải thích, hiện tượng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu khi mở thầu là chuyện bình thường tại các gói thầu sử dụng vốn vay có điều kiện đặc biệt của Nhật Bản (vốn STEP).

Về số tiền 80 triệu Yên Nhật tương đương với 16,4 tỷ đồng tiền Việt Nam, nhiều người cho rằng nếu hối lộ và nhận hối lộ thì số tiền này không phải là lớn để có thể ung dung tin tưởng chạy được một dự án tầm cỡ quốc gia. Bởi vậy, ở đây nếu hiểu là hối lộ thì có vẻ chưa xứng tầm, còn nói là “quà cảm ơn” thì có vẻ hơi “nặng”.

Một thành viên đoàn thanh tra nghi án JTC hối lộ của Bộ GTVT cũng cho rằng, với dự án ODA, giá thầu thường cao, thậm chí còn cao hơn cả giá trần từ 10-15%. Số nhà thầu tham gia cũng rất ít, có khi chỉ là 2 nhà thầu và sẽ lấy 1, nhà thầu đã tham gia đấu thầu dự án ODA thì phải có tiền. Bởi thế, không có lí do gì nhà thầu phải chạy tiền để hối lộ nhằm trúng thầu dự án.

Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định sẽ làm tới cùng sự việc, không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào, có hay không hối lộ thì cũng phải làm rõ và minh bạch. Công tác thanh tra sẽ theo dõi chặt chẽ tất cả các khâu cụ thể của quy trình thực hiện dự án và không loại trừ bất kỳ cá nhân nào có liên quan. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường và có hồ sơ chứng cứ sẽ chuyển ngay cho cơ quan công an để thụ lý giải quyết.

Đã 1 tuần kể từ khi tờ báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun đưa thông tin Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) khai nhận với cơ quan công tố Tokyo việc đã hối lộ cho một số cán bộ lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu Yên để được trúng thầu một Dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Đến nay, tờ báo cũng chưa có thêm thông tin gì về diễn biến sự việc liên quan và những nhận định của cơ quan điều tra nước này.

Tối qua 28/3, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã trở về Việt Nam sau chuyến công tác tại Nhật Bản. Chuyến đi của Thứ trưởng Đông được kỳ vọng là sẽ có thêm các thông tin, bằng chứng về nghi án JTC hối lộ lãnh đạo ĐSVN để được trúng thầu, thậm chí là một danh sách các cá nhân và số tiền đã nhận hối lộ. Tuy nhiên, đến nay kết quả cụ thể của chuyến đi vẫn chưa được Bộ GTVT công bố.

Nguồn tin riêng của Dân trí cho biết, chiều nay (29/3), Bộ GTVT họp kín về nghi án JTC hối lộ, cùng với những thông tin thu thập được tại Nhật Bản của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; hi vọng những nghi vấn trong nghi án này sẽ được hé mở dần.

Dân trí sẽ sớm thông tin tới bạn đọc những diễn biến mới nhất của vụ việc này.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *