“Câu hỏi không nhiều”, Bộ trưởng Y tế không phải trả lời chất vấn

Dù được đại biểu đề nghị song Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn không được chọn đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội tại kỳ họp này.

 

Dư luận rất bức xúc trước những vụ việc tiêu cực xảy ra ở ngành y, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế lại ở ngoài danh sách chất vấn kỳ này.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi gửi xin ý kiến đại biểu, bốn vị tư lệnh ngành chính thức được chọn gồm: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trở lại vị trí chia lửa vì ít đại biểu lựa chọn.

Theo giải thích của ông Nguyễn Hạnh Phúc, đoàn thư ký kỳ họp đưa ra danh sách các bộ trưởng để xin ý kiến đại biểu về thành viên Chính phủ trả lời chất vấn dựa trên ba nguyên tắc: thứ nhất là trên cơ sở phiếu xin ý kiến các đại biểu, thứ hai là trên cơ sở ý kiến kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp về các vấn đề bức xúc, cử tri và nhân dân quan tâm; thứ ba là ưu tiên các bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ giờ chưa có dịp trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Về quan tâm của báo chí trước việc chọn Chánh án Trương Hòa Bình để chất vấn lần này phải chăng xuất phát từ những vụ việc xét xử oan sai vừa qua, nhất là án oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Phúc nói "có lẽ trong quá trình đại biểu hỏi chắc sẽ có nội dung đấy, nhưng chất vấn Chánh án không chỉ có nội dung về việc oan sai, mà còn những việc như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tòa án".

 Còn về câu hỏi tại sao dư luận rất bức xúc trước những vụ việc tiêu cực xảy ra ở ngành y, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế lại ở ngoài danh sách chất vấn kỳ này, ông Phúc cho hay, khi đưa danh sách các vị bộ trưởng, trưởng ngành xin ý kiến thì phải dựa trên câu hỏi chất vấn, với Bộ trưởng Tiến thì "câu hỏi không nhiều, xếp thứ tự chỉ đứng thứ 7, thứ 8 thôi cho nên không đưa vào danh sách xin ý kiến đại biểu".

Tuy nhiên, cách giải thích này, theo một số vị đại biểu là không thuyết phục, VnEconomy sẽ phản ánh kỹ hơn ở một bài khác.
 
Ông Phúc cũng nhấn mạnh điểm rất mới ở kỳ này là thời gian chất vấn từ 2,5 ngày đã được tăng lên 3 ngày, trong đó có một buổi sau khi phó thủ tướng thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn tại kỳ họp 3, 4,5, các vị đại biểusẽ thảo luận ở hội trường về nội dung này.

 Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm này, Thủ tướng sẽ đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn. Hiện nay mới có 5 câu hỏi chất vấn bằng văn bản tới Thủ tướng, xoay quanh vấn đề kinh tế thôi, ông Phúc cho hay.

Theo Nguyễn Lê
VnEconomy

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *