Xuất khẩu gạo, buôn vàng, dịch vụ hàng không bị hạn chế ở đặc khu

Mặc dù đưa ra nhiều cơ chế về thuế quan và cơ chế mở đối với các loại hình kinh doanh tại đặc khu kinh tế, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có đề nghị giữ lại hơn 69 ngành nghề trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, áp dụng tại đặc khu.

Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, việc giữ lại 69 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm thực sự đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự - đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư.

Bộ KH&ĐT cũng thống nhất lấy ý kiến các của Bộ, ban ngành và chuyên gia về đề xuất giữ khá nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại các đặc khu kinh tế.

Dù các đặc khu được hưởng cơ chế mở song 69 ngành nghề vẫn buộc phải có điều kiện mới được kinh doanh
Dù các đặc khu được hưởng cơ chế mở song 69 ngành nghề vẫn buộc phải có điều kiện mới được kinh doanh

Trong các lĩnh vực, ngành bị hạn chế kinh doanh, có nhiều ngành nhạy cảm như: cầm đồ, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, nổ mìn, kinh doanh đa cấp, mang thai hộ, kinh doanh karaoke, vũ trường...

Tuy nhiên, trong số những ngành mà Bộ KH&ĐT đề nghị kinh doanh, đầu tư phải có điều kiện ở nhiều lĩnh vực sản xuất thông thường như: Xuất khẩu gạo; kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; kinh doanh đường sắt; khai thác thuỷ sản; kinh doanh vàng, kinh doanh khí, kinh doanh sản phẩm biến đổi gen..

Đây đều là những ngành nghề kinh doanh mà thời gian qua nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý đề nghị tháo bỏ khỏi các quy định, điều kiện, nhằm mở cửa cho sự phát triển.

Theo Bộ KH&ĐT, đơn vị xây dựng dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), 69 ngành nghề được đề nghị giữ lại trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thực sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự - đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư.

Mới đây, Bộ KH&ĐT cũng xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt gửi Thủ tướng, Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua.

Nhiều cơ chế, chính sách được coi là "đột phá", "lần đầu tiên" được áp dụng tại Việt Nam để thu hút nhân tài, vật lực phát triển ba đặc khu kinh tế mà Việt Nam mong muốn xây dựng tới đây.

Đầu tiên là Nhà nước cho phép người dân, doanh nghiệp được cầm cố, thế chấp tài sản là dự án trên đất đặc khu ở ngân hàng ngoại.

Cơ chế mở thứ 2 là, đối với cá nhân người Việt và người nước ngoài ở ba đặc khu kinh tế, được miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm, nhưng không quá năm 2030 khi có thu nhập diện chịu thuế phát sinh ở đặc khu kinh tế. Những năm tiếp theo, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ được giảm 50%.

Đối với những nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân tại 3 đặc khu kinh tế kể trên cũng được miễn thuế đến hết năm 2030 và giảm 50% số thuế theo các năm còn lại.

Đặc biệt, với người nước ngoài có dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc từ 5 triệu USD (hơn 110 tỷ đồng), đã có thời gian cư trú 5 năm trở lên, không vi phạm pháp luật sẽ trở thành công dân Phú Quốc (được cấp thẻ thường trú tại Phú Quốc).

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *