World Bank dự báo Việt Nam tăng trưởng kinh tế 5,4% trong năm 2014

FICA - World Bank dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn và tiếp tục vẫn thấp hơn xu hướng dài hạn.

Chiều ngày 8/7/2014, Ngân hàng Thế giới (World Bank) chính thức công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt nam cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và tiếp tục dưới mức tiềm năng.

Theo báo cáo của World Bank, các điều kiện toàn cầu được cải thiện và cầu trong nước còn yếu cho phép Việt Nam củng cố hơn nữa những thành quả về ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số lạm phát  chung giảm từ mức đỉnh 23% vào tháng 8/2011 xuống khoảng 5% vào tháng 6/2014.

Tuy nhiên, thâm hụt tài khoá tăng lên cho thấy ngày càng nhiều thách thức vĩ mô. Chỉ tiêu tiêu bội chi ngân sách 4,8% GDP bị vượt 0,5 điểm phần trăm năm 2013, và kết quả dự kiến cũng tương tự trong năm 2014. Tình hình nợ công vẫn ở mức ổn định cho dù dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc mang tính hệ thống.

World Bank dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn và tiếp tục vẫn thấp hơn xu hướng dài hạn. Tăng trưởng GDP năm 2014 ước tính  khoảng 5,4% và dự báo không vượt quá 5,5% trước năm 2016. Về ngắn hạn, lý do là cầu trong nước còn yếu. Về  dài hạn, xu hướng tăng trưởng vẫn khiêm tốn do những vấn đề mang tính cơ cấu.

Bên cạnh đó, cho dù tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động tương đối cao và tỷ lệ thất nghiệp chính thức vẫn thấp (ước tính khoảng 2%), các xu hướng trên thị trường lao động là nguyên nhân gây quan ngại. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đáng kể trong số lao động có kỹ năng, phản ánh sự bất cập giữa nguồn cung kỹ năng và cầu trên thị trường.

World Bank cũng cho rằng, khu vực ngân hàng vẫn đang ổn định một cách tương đối. Do tập trung giải quyết nợ xấu, các ngân hàng vẫn thận trọng trong việc mở rộng tín dụng cho dù có tăng trưởng mạnh về tiền gửi.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã cổ phần hoá 74 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào năm 2013 (gấp ba lần so với số năm 2011 và 2012), và động lực vẫn tiếp diễn trong quý một năm 2014.


Viễn cảnh trung hạn là tăng trưởng GDP vẫn ở mức khiêm tốn với những rủi ro kinh tế vĩ mô như cầu khu vực tư nhân trong nước vẫn yếu và dễ bị ảnh hưởng trước các diễn biến bất lợi với giả định không gia tăng căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc; 

Một trở ngại đáng kể khác là, khu vực ngân hàng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi khả năng thay đổi bất ngờ về lòng tin của người gửi tiền và những tin tức ngoài dự kiến về biến động giá bất động sản hay lợi nhuận của các DNNN.

World Bank cũng đưa ra nhận định, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu – tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.

“Tăng trưởng dự báo ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.” Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu.

“Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn  triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.”

Theo bà Kwakwa, mặc dù viễn cảnh trước mắt có thể thuận lợi, hiện đang tồn tại những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.

Theo đó, chậm trễ về tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN có thể kéo dài giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng và tạo ra những động thái ngày càng bất lợi, có thể dẫn đến nghĩa vụ nợ dự phòng lớn trong khu vực công, khiến cho nợ công tăng đến các mức không còn bền vững. Sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cũng làm trầm trọng thêm rủi ro bất lợi.

Phương Dung

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *