Vụ việc ông Trần Văn Truyền: “Chưa thể nói được có tham nhũng hay không!?”

FICA - “Vấn đề này tôi chưa thể nói được có tham nhũng hay không, nhưng đây là chưa tự giác, chưa gương mẫu, chưa trung thực…”, đại biểu bà Nguyễn Thị Khá cho biết.

Về vụ việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, về việc trước khi nghỉ hưu đã ký bộ nhiệm 60 cán bộ vào cơ quan Thanh tra Chính phủ trái luật quy định, có nhiều tài sản bất minh không kê khai, nghỉ hưu rồi nhưng không trả nhà công vụ mà nêu hoàn cảnh khó khăn để cho con gái thuê, bên lề Quốc hội, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã trao đổi với báo giới.

Từ kết luận của cơ quan Ủy ban Trung ương Đảng, bà nghĩ ông Trần Văn Truyền có tham nhũng không?

Vấn đề này tôi chưa thể nói được có tham nhũng hay không, nhưng đây là chưa tự giác, chưa gương mẫu, chưa trung thực. Còn tham nhũng hay không thì phải để cho cơ quan pháp luật kết luận.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội,bà bình luận thế nào về tư cách của Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền?

Tư cách của một người, chúng ta không thể vì một sự việc nào đó mà đánh giá con người được. Đánh giá con người phải có một cách nhìn tổng thể, từ quá trình, trách nhiệm, quyền hạn đến vấn đề quản lý. Có thể sự sai sót đó không thể đổ lỗi cho cá nhân mà còn có cơ quan quản lý, tổ chức Đảng ở đó.

Tôi nghĩ nên có tác động trách nhiệm đến người đó. Bản thân người đó có trách nhiệm một, nhưng cơ quan quản lý của người đó cũng phải có trách nhiệm. Đây là vấn đề không phải với một cá nhân người nào mà ai cũng vậy. Đứng ở một vị trí nào, làm việc ở một cơ quan nào cũng phải có trách nhiệm của cấp trên về chủ trương, đường lối, kiểm tra, giám sát và tự thân người đó.

Bởi vậy, theo tôi cần phải có sự hài hòa giữa trách nhiệm của cá nhân và tổ chức. Vì nếu cá nhân tốt nhưng chủ trương ở tổ chức đó không tốt thì cũng không tốt. Còn chủ trương tốt mà cá nhân ở đó không tốt thì cũng không tốt.

Nhưng theo quan sát của bà, sự việc của ông Trần Văn Truyền có sự nể nang hay không?

Tôi không biết ở đây có nể nang hay không, phải đợi kết luận rồi mới biết được. Không phải cái gì mình cũng nghi ngờ hết.

Bà có lo ngại sau khi sự việc này có kết luận nhưng nhiều người vẫn nghĩ chỉ là “giơ cao đánh khẽ”?

Xã hội hiện nay là “chín người, mười ý”, người dân có quyền nghi ngờ. Còn nghi ngờ đúng hay sai thì chỉ có pháp luật mới trả lời được. Còn mỗi người dân có quyền nghi ngờ riêng theo cách nghĩ của họ, mình cũng không cấm được. Bởi sự nghi ngờ này của mỗi người đều có cơ sở riêng.

Bởi vậy, để trả lời cho người dân thì chỉ có công lý mới trả lời được, chứ không phải nghi ngờ rồi kết tội. Một người chỉ có tội sau khi có kết luận tội.

Theo giám sát của bà có nhiều trường hợp giống như ông Trần Văn Truyền, có nhà rồi còn xin nhà khác, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn xin nhà khác?

Vấn đề này thì tôi cũng không dám nói là thế nào, nhưng tôi mong muốn pháp luật phải làm rõ ra. Còn nghi ngờ của người dân thì có thể so sánh giữa người này với người khác, nhưng sự so sánh đó cũng chưa có cơ sở, cũng không phải tuyệt đối không còn. Nếu muốn tạo niềm tin cho người dân thì pháp luật phải làm rõ điều đó.

Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của cơ quan giám sát, khi mà sự việc của ông Trần Văn Truyền do báo chí phát hiện ra chứ không phải từ các cơ quan giám sát?

Mỗi lĩnh vực công tác đều có các cấp quản lý. Với vụ việc này thì cấp nào quản lý. Đã có phân cấp rồi. Trách nhiệm này thuộc về ai thì lãnh đạo cấp đó sẽ có trách nhiệm, còn cấp dưới thì không thể có trách nhiệm, quyền hạn được. Tôi mong muốn lãnh đạo cấp nào, với cơ quan quản lý của mình phải làm cho rõ ràng lành mạnh, sáng tỏ, công khai, minh bạch đừng để có sự nghi ngờ của người dân. Mà sự nghi ngờ của người dân là do mất lòng tin thì rất khó. Xã hội mà để một cấp lãnh đạo bị nghi ngờ thì sẽ khó điều hành hiệu quả.

Có một vấn đề là, khi câu chuyện ở ngoài đời thường ai cũng nói nếu đặt mình vào vị trí đó thì ai cũng thế. Vậy phải chăng ở vị trí đó thì người ta sẽ làm như thế? Khi trước khi về hưu ông Trần Văn Truyền ký một loạt quyết định bổ nhiệm, kêu hoàn cảnh khó khăn để chia được nhà, rồi còn trình bày hoàn cảnh khó khăn để cho con gái thuê nhà. Lúc kêu khó khăn thì ông đã có trong tay 7 tỷ đồng. Vậy bà nghĩ sao về suy nghĩ nếu đặt mình vào vị trí đó thì ai cũng làm như thế?

Cũng không thể nói vậy được tại vì còn phụ thuộc vào tư cách của mỗi người nữa. Điều kiện chỉ là một, mà còn có sự tác động của bản thân người đó. Một người liêm chính sẽ không lợi dụng điều kiện đó. Nhưng điều kiện quá dễ dãi với một người không có ý định lợi dụng thì họ lợi dụng. Nhưng có người thẳng thắn, liêm chính thì sẽ không lợi dụng những điều đó. Vấn đề xảy ra còn phải tùy trường hợp, mỗi người. Cụ thể ai đứng vào trường hợp đó cũng làm như thế là không phải. Tôi nghĩ có nhiều vấn đề xảy ra.

Bà có lo ngại rằng với sự việc của ông Trần Văn Truyền, nếu chỉ thu hồi tài sản mà không có xử lý khác nữa thì có nhiều trường khác sẽ tái diễn không?

Sau khi có kết luận của cơ quan Đảng, chắc bên Nhà nước cũng có tác động như thế nào đó và có biện pháp tiếp theo. Bởi vì vấn đề này còn có liên quan đến người cấp đất, cấp nhà sai và liên quan đến nhiều người khác.

Đối với những cán bộ đã được ông Trần Văn Truyền bổ nhiệm hàng loạt trước khi nghỉ hưu, chúng ta có biện pháp gì không để tránh việc những cán bộ không đủ năng lực làm việc?

Tôi nghĩ nên rà soát lại về tiêu chí, mức độ hoàn thành công việc. Trước khi bổ nhiệm chúng ta có tiêu chí gì, từ khi được bổ nhiệm đến nay họ đã hoàn thành công việc tới mức độ nào để đánh giá, chứ không phải tất cả những người được bổ nhiệm đó đều phải rà soát. Chúng ta phải đánh giá những cán bộ đó trên tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ.

Còn những người không đạt theo tiêu chí, trách nhiệm hoàn thành, thái độ không nhiệt tình thì phải nên xem xét. Chứ không phải vơ đũa một nắm.

  • Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *