Việt Nam-Ấn Độ ký Bản ghi nhớ Hạn mức tín dụng 100 triệu USD

FICA - Việt Nam và Ấn Độ đã ký Bản ghi nhớ Hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee.

 
Lễ đón chính thức Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tại Phủ Chủ tịch sáng ngày 15/9 (Ảnh Hữu Nghị)
Lễ đón chính thức Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tại Phủ Chủ tịch sáng ngày 15/9 (Ảnh Hữu Nghị)

Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tới Việt Nam từ ngày 14-17/9 theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch và sau buổi hội đàm sáng nay (15/9), hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trong đó có Bản ghi nhớ Hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam. Bản ghi nhớ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ.

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai bên thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007. Tổng thống Ấn Độ khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ của Ấn Độ với ASEAN.

Hai bên nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dầu khí, văn hóa, kết nối nhân dân, và hợp tác khu vực và đa phương. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là Ủy ban liên Chính phủ, Tham khảo chính trị và đối thoại chiến lược, đối thoại an ninh và các cơ chế đối thoại khác giữa hai nước. Hai bên khẳng định thực hiện hiệu quả các thỏa thuận nhằm mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương.

Hai bên nhất trí đưa kim ngạch thương mại hai bên đạt mục tiêu 7 tỷ USD vào năm 2015 và nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và giao lưu nhân dân; hoan nghênh hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ hợp tác với Hãng hàng không Vietnam Airlines mở đường bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam, dự kiến vào tháng 11/2014. Hai bên nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo...

An ninh, quốc phòng: trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm; đánh giá cao và nhất trí tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác ASEAN-Ấn Độ, Cấp cao Đông Á (EAS), hợp tác sông Hằng- sông Mêkông (MGC), Phong trào Không liên kết, hợp tác Nam-Nam, và tại Liên hợp quốc. Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ lẫn nhau ứng cử làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Việt Nam ứng cử nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Ấn Độ ứng cử nhiệm kỳ 2021 – 2022).

Quang cảnh buổi hội đàm sáng ngày 15/9 (Ảnh Hữu Nghị)
Quang cảnh buổi hội đàm sáng ngày 15/9 (Ảnh Hữu Nghị)

Hai bên nhấn mạnh nhu cầu về cải cách Liên hợp quốc và mở rộng Hội đồng Bảo an về số lượng thành viên thường trực và không thường trực. Ấn Độ cảm ơn Việt Nam đã dành sự ủng hộ nhất quán cho vị trí thành viên thường trực của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ chế này được cải cách và mở rộng.

Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông, giải quyết tranh chấp ở khu vực này bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Tại buổi hội đàm, chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã nhất trí rằng hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Ngoài Bản ghi nhớ Hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu đôla Mỹ mà Ấn Độ dành cho Việt Nam để mua sắm quốc phòng, hai bên cũng ký kết 6 văn kiện hợp tác khác, bao gồm Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về hợp tác và hỗ trợ trong lĩnh vực hải quan, Bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng trang trại cá basa tại Ấn Độ, Bản ghi nhớ về hợp tác thú y, Bản ghi nhớ về hợp tác thanh niên, Bản ghi nhớ về hợp tác và cùng thúc đẩy dịch vụ hàng không trực tiếp giữa Vietnam Airlines và Jet Airways; Ý định thư hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh.

Nam Hằng
Ảnh Hữu Nghị

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *