Từ sang năm, EVN đợi ít nhất 6 tháng mới được tăng giá điện

FICA - Từ đầu năm 2013, khi các yếu tố đầu vào làm giá bán điện bình quân cơ sở tăng từ 7% trở lên, EVN mới được quyền tăng giá điện. Theo quy định hiện tại, mức chênh lệch này là 5%.


Quyết định số 69/2013/QĐ-TT về "Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân"  vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành có nhiều điểm mới so với quyết định sẽ hết hiệu lực vào đầu năm sau là Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg.

Với việc đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, văn bản mới đưa ra định nghĩa "Giá thị trường phát điện cạnh tranh" là giá được xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh theo các nguyên tắc và quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, Quyết định số 69 nới thời gian tối thiểu điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp lên 6 tháng, so với quy định hiện tại chỉ là 3 tháng. Tuy vậy, giá bán điện bình quân chỉ được điều chỉnh tăng từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, trong khi hiện tại mức tăng tối thiểu là 5%.

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) toàn quyền quyết định việc giảm giá bán điện bình quân khi các thông số đầu vào cơ bản làm giá bình quân cơ sở giảm.

Trong trường hợp các thông số đầu vào khiến giá bán điện bình quân cơ sở tăng từ 7% tới 10% và trong khung giá quy định, EVN mới được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng, sau khi được Bộ Công thương chấp nhận. Hiện tại, với mức chênh lệch 5%, EVN đã được phép tăng giá điện ở mức tương ứng.

Trong trường hợp giá điện bình quân cơ sở tăng từ 10% trở lên hoặc giá bán điện sau điều chỉnh tăng ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN lập hồ sơ phương án, báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định. Sau khi nhận được thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Công thương tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, có ý kiến.

Theo quy định hiện hành, trong vòng 15 ngày mà EVN không nhận được văn bản trả lời thì được phép tăng giá điện 5%. Văn bản mới không cho phép EVN được phép tự động tăng giá điện.

Thời gian để các Bộ làm việc và trình Thủ tướng xem xét, cho ý kiến kéo dài gấp đôi so với văn bản trước, từ 5 ngày lên 10 ngày.

Một điểm mới trong Quyết định 69 này là hàng năm, EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân trình Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Với phương án giảm giá, EVN được toàn quyền quyết định.

Nếu giá bán điện bình quân cần tăng từ 7% tới dưới 10% nhưng vẫn trong khu quy định, EVN được tăng mức tương ứng sau khi được Bộ Công thương chấp thuận. Trường hợp điều chỉnh tăng giá bán hơn 10% hoặc ngoài phạm vi khung giá, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng sau khi Bộ Tài chính có ý kiến thẩm định.

Việc xây dựng phương án giá bán điện bình quân sẽ được EVN trình Bộ Công thương phê duyệt trước 20/12. Đồng thời, EVN cũng có trách nhiệm báo cáo hai Bộ giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như giá bán điện bình quân trước ngày 1/6 hàng năm.

Quyết định với nhiều điểm mới về điều chỉnh giá bán điện sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm sau, cụ thể là ngày 10/1/2014.

Theo Quyết định mới được ban hành về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), mức giá bán lẻ điện tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và tối đa là 1.835 đồng/kWh.

Giá điện bán lẻ bình quân hiện tại là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), thấp hơn mức tối đa là 21%.

 

Lam Thanh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *