Trung Quốc giám sát chặt hàng Việt tại cửa khẩu

FICA - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát chặt chẽ hơn về việc xuất nhập cảnh, hàng hóa tại các cửa khẩu; song cũng việc VN phải làm.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu đến nay vẫn tiến triển tốt. Sáu tháng đầu năm,  tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,9% so cùng kỳ năm 2013. 

Theo phân tích của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, về các yếu tố khách quan, kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt các thị trường lớn mà Việt Nam hiện đang xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... 

Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của cuộc sống, như: Lương thực, thực phẩm, thủy hải sản... kể cả lúc nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn nhất cách đây 2, 3 năm Việt Nam vẫn xuất khẩu được. 

"Giờ kinh tế hồi phục, nhu cầu sẽ càng cao hơn, giá có thể sẽ còn tăng. Không phải chúng ta “lạc quan tếu”, mà nhìn nhận khách quan cho thấy có những dấu hiệu tốt. Tôi nghĩ trong năm 2014 trừ khi có những tình huống bất khả kháng (chiến tranh, thiên tai...), ngoài ra mặc dù, tình hình tuy còn có những yếu tố bất ổn nhưng nhìn chung vẫn sẽ đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu nêu trên. Tất nhiên, cũng cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp", người phát ngôn Bộ Công thương nhìn nhận.

Ông Hải cũng khẳng định, hiện nay, các hoạt động giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên, phía Trung Quốc tăng cường giám sát chặt chẽ hơn về việc xuất nhập cảnh, hàng hóa tại các cửa khẩu. Đó là việc hiện nay Việt Nam cũng đang phải làm. 

"Chúng ta phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhưng vẫn cần phải tiếp tục tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó cũng góp phần làm giảm nhập siêu", theo ông Hải. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh việc mở các Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong mọi trường hợp, một thị trường với số dân 1,5 tỷ người là không thể bỏ qua.

Theo ông Hải, để tránh phụ thuộc vào một thị trường, Việt Nam phải chuẩn bị cho tình huống gặp khó khăn. Biện pháp Thứ nhất là mở rộng thị trường thông qua đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiện nay, Bộ Công Thương đang cố gắng trong năm nay hoàn thành các FTAs với Hàn Quốc, EU và Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan. 

Thứ hai là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đặc biệt cần phát triển, nâng cao hiệu quả Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, gồm 3 nội dung: XTTM định hướng xuất khẩu, XTTM thị trường trong nước và XTTM thị trường miền núi, biên giới và hải đảo. Thứ ba là đẩy mạnh phát huy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Ngoài ra, cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp giảm nhập khẩu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt (14,9%) trong khi xuất khẩu vào Trung Quốc giảm. Theo Thứ trưởng Hải, đây cũng là một dấu hiệu lạc quan cho thấy Việt Nam đã tìm được đường vào những thị trường khác khó tính hơn, như các mặt hàng nông sản; trong đó có Thanh Long đã thâm nhập được vào thị trường Hàn Quốc, mặt hàng Gạo đã thâm nhập được vào thị trường Mexico...

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *