Trưng bày, lưu hành tem xuyên tạc chủ quyền, phạt 50 triệu đồng!

FICA - Chính phủ quy định, chỉ cần có một trong các hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; có nội dung sai trái về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam thì sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.

 
“Tam Sa Thất Liên Dữ” của Bưu chính Trung Quốc xuyên tạc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị dịnh số 174/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Nghị định nêu rõ, tổ chức nếu thực hiện một trong các hành vi: Kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính giả; in tem bưu chính Việt Nam không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt đề án in tem bưu chính ở nước ngoài, hợp tác in hoặc phát hành chung với cơ quan bưu chính nước ngoài, thì sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.

Trong khi đó, mức phạt tiền sẽ được nâng lên mức từ 50-80 triệu đồng với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; có nội dung sai trái về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 5/2013, Bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông gồm 6 mẫu tem mang tên Mỹ lệ Trung Quốc, trong đó có 1 mẫu tem in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mẫu tem này có giá mặt tem là 1,2 nhân dân tệ, mang tên Tam Sa Thất Liên Dữ. Đồng thời, Bưu chính Trung Quốc còn phát hành mẫu phong bì FDC và một bưu ảnh mang hình nhóm đảo trên.

Về hành vi này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Tổng cục Hải quan kiểm soát và không cho phép các cá nhân, tổ chức nhập khẩu bộ tem cùng các ấn phẩm kèm theo dưới bất kỳ hình thức nào. Việt Nam khẳng định, có đầy đủ cơ sở và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và yêu cầu Bưu chính Trung Quốc tôn trọng sự thật, hủy ngay mẫu tem, phong bì và bưu ảnh in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, không để tái diễn hành động tương tự, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa hai ngành bưu chính nói riêng và hai nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung.

Cũng theo Nghị định 174, mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng được áp với một trong các hành vi: Kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có quyết định đình bản, đình chỉ, thu hồi; Sử dụng, sao chép một phần hoặc toàn bộ mẫu tem bưu chính Việt Nam đã duyệt mà không có văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Nhập khẩu tem bưu chính mà không có giấy phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…

Trong trường hợp tổ chức có hành vi gửi hoặc vận chuyển bưu phẩm chứa hàng cấm lưu thông thì phải nhận mức phạt 20 triệu đồng. Mức phạt từ 10 - 40 triệu đồng áp dụng với vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính.

Trong đó, mức phạt 10 - 20 triệu đồng áp với một trong các hành vi: Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu; gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông theo quy định của pháp luật...

Hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Nghị định này sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 15/1/2014.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *