Tổng Thanh tra nói về “chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng”

FICA - Đại biểu Nguyễn Văn Hiến nghi ngờ thông tin, trong 3 năm Thanh tra Chính phủ xử lý 12 cán bộ trong ngành nhưng không trường hợp nào bị kỷ luật vì tham nhũng.

Bước vào phần đăng đàn trả lời chất vấn trong nửa sau buổi làm việc sáng 12/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận một loạt câu hỏi xoay quanh công tác phòng chống tham nhũng của nội bộ cơ quan này.

Trước khi nhận các chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khái quát, những năm vừa qua ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 3 nhiệm vụ được giao: giải quyết khiếu nại tố cáo, thanh kiểm tra việc thi hành pháp luật, phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội “truy” tiêu cực nội bộ của Thanh tra Chính phủ
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (phải) và Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) đặt vấn đề, trong báo cáo của Chính phủ hàng năm công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa được chú trọng. Một số vụ việc tham nhũng đã được xử lý nghiêm nhưng cử tri vẫn cho rằng tình trạng chưa được ngăn chặn hiệu quả. Thanh tra Chính phủ đưa ra giải pháp kê khai tài sản để phòng ngừa nhưng ông Rinh băn khoăn, giải pháp này đã đạt được hiệu quả mong muốn?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhắc lại kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý đất đai tại Đà Nẵng gây sai phạm đến 3.400 tỷ đồng nhưng địa phương này phản ứng, không chấp nhận con số Thanh tra đưa ra. Ông Rinh muốn biết nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc cuộc thanh tra này có gì thay đổi?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) dẫn báo cáo của ông Tranh về kết quả việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong 3 năm 2011-2013. Theo đó, số lượng vụ việc và người liên quan đến hành vi tham nhũng năm 2011 là nhiều nhất và giảm dần đến năm 2013. Từ đó, Thanh tra Chính phủ đánh giá công tác phát hiện và xử lý tham nhũng có tiến bộ.

Ông Hiến băn khoăn, theo số liệu đó, nhận định đó thì có thể kết luận tham nhũng đã bị đẩy lùi hay việc này chỉ thể hiện thực tế là khả năng phát hiện ngày càng hạn chế?

Đại biểu đi sâu vào công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành, trong 3 năm Thanh tra Chính phủ đã xử lý 12 cán bộ nhưng chỉ về hành vi làm lộ bí mật công tác, vi phạm nghiệp vụ, sinh con thứ 3… chứ không hề liên quan đến tham nhũng. Ông Hiến cho rằng kết quả này chưa thỏa đáng.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đánh giá về kết quả xét xử các “đại án” tham nhũng. Vụ án của “bầu” Kiên được đại biểu nhắc đến với nhận định, phiên xử vừa kết thúc vẫn nhận nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.

Ông Sơn đề nghị Tổng Thanh tra nhận định về mức án tòa sơ thẩm đã áp dụng với bầu Kiên và các đồng phạm khi các mức án đó đều thấp hơn so với khung hình phạt đề nghị.

Đại biểu cũng yêu cầu làm rõ thêm lý do vì sao đến tận lúc tuyên án, cơ quan công tố vẫn giữ nguyên quan điểm mà các bị cáo vẫn kêu oan, phải chăng do pháp luật Việt Nam có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau?

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) ghi nhận nhiều cố gắng, nỗ lực của ngành thanh tra với nhiều con số thống kê ấn tượng. Tuy nhiên, việc thu hồi, xử lý sau thanh tra lại không tương xứng. Bà Yến hỏi nguyên nhân việc này và yêu cầu người đứng đầu ngành thanh tra nêu giải pháp.

Đề cập việc thanh tra trách nhiệm, bà Yến cho rằng việc này còn hạn chế, chưa đánh giá được nhiều tình hình thực tế. Đại biểu đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan Thanh tra với kết quả, khả năng phát hiện tham nhũng.

Nữ đại biểu cũng yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày về công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành.

Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phân tích, ngành thanh tra đã có nhiều cố gắng trong các năm qua, thanh tra nhiều cuộc nhưng cử tri vẫn chưa hài lòng vì việc Thanh tra chưa chuyển cơ quan điều tra hoặc chuyển chậm gây khó khăn cho công tác điều tra khi phát hiện dấu hiệu tội phạm.

Ông Thuyền băn khoăn, Đảng và Nhà nước nêu quyết tâm chính trị rất cao trong phòng chống tham nhũng nhưng chưa đạt kết quả ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng mà dường như tham nhũng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, khó lường hơn?

Nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Để chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan chống tham nhũng”, ông Thuyền đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ bình luận về nhận định này, trên cơ sở công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhắc đến chỉ thị của Thủ tướng về việc nâng cao trách nhiệm công vụ của người đứng đầu để góp phần phòng chống tham nhũng nhưng cả ngành thanh tra vẫn gặp khó khi chưa làm rõ được trách nhiệm người đứng đầu vì tham nhũng là hành vi phạm tội có độ ảo cao.

Ông Vở đặ câu hỏi, vì sao Thanh tra Chính phủ chậm tham mưu Chính phủ chậm ban hành văn bản hướng dẫn việc bảo vệ người tố giác tội phạm, xử lý người có hành vi trù dập, trả thù người tố cáo. Ông Vở đặt vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu ngành trong việc này.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đáp lời tướng Rinh về kết quả của việc kê khai tài sản và tác dụng của giải pháp phòng ngừa này. Ông Tranh cho rằng việc này được thực hiện từ 2008 và từ đó đến nay hàng năm đều thực hiện việc kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Ngoài ra có những đối tượng có biến động về tài sản cũng phải kê thêm.

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 có hiệu lực, việc kê khai tài sản này có tiến bộ hơn. Chính phủ khi đó đã ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện luật, Thanh tra Chín phủ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện việc kê khai. Đến 2013 kết quả đạt hơn 640.000 đối tượng được kê khai, công khai hơn 59%. Đến nay 116/170 đơn vị đã hoàn thành việc kê khai. Hơn 910.000/930.000 người phải kê khai đã thực hiện kê khai, đạt 98%, việc công khai hoạt động kê khai cũng đạt 97%.

Qua đó đã có 3000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực rõ ràng đã được kiểm tra làm rõ, có 88 cán bộ trong đó đã bị xử lý,.

“Có thể nói việc kê khai tài sản của các đối tượng đến thời điểm này đã được thực hiện tương đối tốt” – ông Tranh nói.

Tác dụng của hoạt động này, theo ông Tranh, các cơ quan có thẩm quyền đã nắm được tài sản của cán bộ công chức trong đơn vị mình để quản lý, kiểm tra; xem xét theo dõi được việc biến động tài sản của cán bộ, có tăng bất thường thì phải giải trình.

Với câu hỏi về kết luận Thanh tra đất đai tại TP Đà Nẵng, ông Tranh cho biết, việc này được nắm tình hình từ trước 2010. Năm 2011, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền khi đó đã có chủ trương thực hiện cuộc thanh tra này. Cuộc thanh tra này thực hiện theo liên ngành, cùng với Ban Chỉ đạo PCTN TƯ khi đó. Kết thúc thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã làm việc nhiều lần với Đà Nẵng, Bộ Tài chính. Văn phòng Chính phủ cũng đồng ý với nội dung kết luận đó và kết luận thanh tra được công bố tại địa phương và trên Cổng thông tin của Thanh tra Chính phủ.

Vì Đà Nẵng không đồng ý nên Chính phủ đã lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm cả Bộ Tư pháp, Tài chính và đều thống nhất nhận định kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, thanh tra còn kiến nghị chuyển điều tra làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái trong chuyển nhượng đất đai và dự án tại đây.

Việc kết luận thanh tra cuộc này như vậy, theo ông Tranh là có đầy đủ cơ sở pháp luật.

Dấu hiệu vi phạm của Ban cán sự Đảng của thành phố Đà Nẵng sau đó cũng được xem xét.

Đến nay, theo ông Tranh, thành phố Đà Nẵng đã đang thực hiện kết luận Thanh tra, có báo cáo về nội dung này gồm 7 điểm, trong đó có việc kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố, Bí thư Ban cán sự Đảng thành phố thời kỳ đó.

Về câu hỏi của ông Hiến, Tổng Thanh tra khẳng định vấn đề phòng chống tham nhũng hiện được đưa lên vấn đề trọng tâm công tác của ngành. Việc thực thi luật PCTN cũng như công cuộc PCTN được đẩy lên cao hơn. Đây là một thách thức đe dọa sự tồn vong của chế độ nên ông Tranh cho biết, dự báo tình hình tham nhũng sắp tới vẫn nhận định công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu ngăn chặn và đẩy lùi; tham nhũng vẫn xảy ra nghiêm trọng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, việc phòng ngừa còn hạn chế trong hiệu quả.

Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, ngành đưa ra dự báo thanh nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, tinh vi, khó phát hiện, thiệt hại gây ra với tài sản của nhà nước, xã hội còn cao nhưng xử lý tài sản tham nhũng còn thấp. Hành vi tham nhũng có nhiều dạng khác nhau, trong đó có tham ô tài sản, tham nhũng, nhũng nhiễu, cố ý làm trái… diễn ra trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Tham nhũng vặt xảy ra thường xuyên trong việc tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp…

“Như vậy, có thể khẳng định rằng tham nhũng vừa qua chưa được đẩy lùi, diễn biến tinh vi phức tạp cần đấu tranh mạnh mẽ hơn” – ông Tranh nói.

Về câu hỏi của đại biểu Yến với vấn đề tỷ lệ xử lý sau thanh tra thấp, về tiền chỉ đạt 30%, đất đai 20% ông Tranh khẳng định, từ 2011 đến nay, kết quả đã tốt hơn. Đến nay, tiền đã đạt hơn 50%, đất đạt 83%.

Thanh tra Chính phủ vẫn đang tiếp tục đôn đốc, 6 tháng đầu năm 2014 đã đạt 67% về tỷ lệ xử lý sau thanh tra. Sự chuyển biến đó theo ông Tranh là tương đối tích cực.

Chỉ ra nguyên nhân xử lý thấp, ông Tranh cho là do chưa có một chế tài mạnh. Trách nhiệm của người đứng đầu ngành là có những chế tài chưa khả thi với người phải thực hiện kết luận thanh tra. Nhận thức pháp luật của đối tượng bị thanh tra cũng chưa tốt.

Thẩm quyền của ngạch thanh tra theo quy định pháp luật cũng chỉ là phát hiện và kiến nghị chứ chưa có quyền cưỡng chế hoặc thi hành kết luận thanh tra.

Giải pháp sắp tới, theo ông Tranh, sẽ ban hành nghị định xử lý sau thanh tra. Dự thảo thông tư phong tỏa tài sản với lực lượng kinh tế khi không thực hiện kết luận. Thanh tra cũng cần tăng cường hiệu quả hiệu lực trong hoạt động thanh tra của mình.

Người đứng đầu ngành thanh tra nói về việc thanh tra việc triển khai luật PCTN, các giải pháp phòng ngừa, xác định trách nhiệm người đứng đầu, phát hiện xử lý hành vi tham nhũng cụ thể. Việc xử lý này được ông Tranh khẳng định có tác dụng tích cực trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng.

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, ông Tranh trình bày về lý do chuyển cơ quan điều tra chậm các trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm. Tổng Thanh tra Chính phủ bản thân đã rất tích cực trong việc này nhưng chuyển chưa được nhiều vì yếu tố cấu thành tội phạm trong nhiều trường hợp chưa nhiều lắm, chưa đủ điều kiện chuyển.

Tồi gian qua, ngành đã chuyển 200 vụ với 244 người, trong đó Thanh tra Chính phủ trực tiếp chuyển 20 vụ. 

P.Thảo 

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *