Tổng Thanh tra Chính phủ: Phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản còn ít

FICA – “Các vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít, nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm toán chuyển cơ quan điều tra chưa nhiều. Thu hồi tài sản cũng còn ít…”

Bên hành lang Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã chia sẻ với báo giới về công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trao đổi với Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bên hành lang Quốc hội.

Công tác phòng, chống tham nhũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Xin ông cho biết, những kết quả đã được của công tác này trong năm 2014?

Có thể nói kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước rất cao. Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã bàn hành công tác trọng tâm, hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng; có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống tham nhũng ở các ngành, địa phương; chỉ đạo xử lý những vụ tham nhũng lớn. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp rất đồng bộ. Về xây dựng thể chế, Chính phủ đã ban hành 91 nghị định, 47 nghị quyết, Thủ tướng đã ban hành 56 quyết định trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tương đối hiệu quả, mà tập trung là cải cách thủ tục hành chính, kê khai tài sản thu nhập, trách nhiệm người đứng đầu và công khai minh bạch tài sản đối với cán bộ công chức viên chức trong diện phải công khai.

Công tác thanh tra kiểm toán điều tra, truy tố đã có chuyển biến rõ rệt. Số lượng các vụ việc phát hiện tăng hơn cùng kỳ năm trước, thu hồi tài sản cũng được đánh gia tăng lớn. Biểu hiện, phát hiện xử lý tham nhũng ngày càng tích cực hơn.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vấn chưa đạt như yêu cầu mong muốn?

Đúng là công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Tình hình tham nhũng vấn diễn ra phức tạp, chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng trong lĩnh vực công vẫn còn nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực đầu công, tín dụng ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản và công tác cán bộ. Các giải pháp phòng ngừa tuy có tập trung, tích cực triển khai nhưng một số giải pháp hiệu quả chưa cao, còn hình thức.  

Các vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít, nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm toán chuyển cơ quan điều tra chưa nhiều. Thu hồi tài sản cũng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công tác này.

Vậy làm thế nào để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, thưa ông?

Ngay trong báo cáo của Chính phủ đã đưa ra những giải pháp cụ thể trong năm 2015. Đó là, tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa, tập trung các giải pháp chính: cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; kê khai tài sản thu nhập…

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách. Bởi trong quá trình vừa qua và trước đây, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hạn chế sơ hở yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng  nhưng vẫn còn những sơ hở nên cần phải hoàn thiện thể chế hơn nữa để thực hiện hiệu quả hơn.

Cùng với đó, tiến hành tổng kết luật, cơ chế liên quan đến cơ chế phòng ngừa tham nhũng và đi đến tổng kết, đánh giá Luật phòng chống tham nhũng để sửa đổi một cách toàn diện để thực hiện luật pháp đồng bộ.

Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục khâu kiểm tra, đôn đốc, phát hiện xử lý tham nhũng gắn với thu hồi tài sản để bảo đảm tài sản của nhà nước không bị thất thoát. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật làm sao cho xã hội, người dân hiểu và tham gia vào công tác đấu tranh chống tham nhũng, đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, phát hiện, nêu vấn đề để các  cơ quan nhà nước có cơ sở thanh tra, kiểm tra chống tham nhũng.

Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phòng ngừa, xây dựng thể chế đến phát hiện xử lý tham nhũng gắn với vài trò của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tin đại chúng và người dân thì công tác phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả hơn.

Vậy với riêng ông thì sao?

Ngành thanh tra có chức năng quản lý nhà nước, làm tham mưu cho Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng và vai trò của ngành thanh tra là một công cụ thanh tra phát hiện tham nhũng. Với tư cách là lãnh đạo của ngành thanh tra, chúng tôi xác định đúng chức năng, chủ trương, trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho ngành.

Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tham mưu xây dựng thể chế trên cơ sở các quy định của nhà nước về phòng, chống tham nhũng để làm sao tăng cường sự quản lý của nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội để hạn chế sơ hở cho tham nhũng. Ngoài ra, chúng tôi có trách nhiệm thanh tra, phát hiện xử lý vi phạm, chuyển cơ quan điều tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật tham nhũng.

Chúng tôi giáo dục cán bộ ngành thanh tra phải thực hiện tốt cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện nghị quyết trung ương 4, đặc biệt phải trong sạch khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Có như vậy, từ xây dựng thể chế, nhận thức, hoàn thiện thể chế, trách nhiệm của bộ máy, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa, phát huy hơn nữa thực hiện trách nhiệm của ngành thanh tra.

  • Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *