Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 203 tỷ USD, thua xa Thái Lan

Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam dù tăng trưởng mạnh nhưng vẫn thua xa các nước khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia...


Một góc TP.HCM.

Một góc TP.HCM.

Hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance vừa mới công bố danh sách 100 quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2017.

Cụ thể, Việt Nam được hãng định giá này xếp ở vị trí số 45 trong số 100 nền kinh tế tăng 5 bậc so với năm ngoái. Trị giá thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 203 tỷ USD, tăng 43% so với mức định giá 141 tỷ USD năm 2016.

Tăng nhanh cả về thứ hạng lẫn giá trị, Việt Nam lọt danh sách Top 10 quốc gia có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất. Tuy nhiên, mức tăng của Việt Nam vẫn kém một số nước như Iceland tăng tới 83%, Tây Ban Nha là 46%….

Tại khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu của Việt Nam vẫn "thua" nhiều nước như Singapore (464 tỷ USD), Malaysia (489 tỷ USD), Thái Lan (483 tỷ USD), Philippines (466 tỷ USD), Indonesia (845 tỷ USD).

Đứng đầu bảng xếp hạng là Mỹ, đây cũng là quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới đạt 21.055 tỷ USD, song tốc độ tăng trưởng giá trị chỉ đạt 2%. Xếp thứ 2 là Trung Quốc giá trị thương hiệu quốc gia đạt 10.209 tỷ USD, tăng tới 44% so với năm 2016. Nhật Bản xếp thứ 3 với giá trị quốc gia đạt 4.021 tỷ USD. Tiếp theo đó là các nước Anh, Pháp, Canada, Ấn Độ, Italia, Hàn Quốc…

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,41% so với cùng kỳ 2016. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt mức kỷ lục vượt 114.000 doanh nghiệp. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 308,5 tỷ USD.

Tính chung trong 10 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,24 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ 2016. Đây là những tín hiệu tăng trưởng lớn của Việt Nam trong mắt giới kinh tế thế giới.


Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam so với một số nước trong khu vực. Đơn vị tỷ USD

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam so với một số nước trong khu vực. Đơn vị tỷ USD

Theo: Bạch Dương

VNeconomy

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *