Thiệt – hơn nhìn từ đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ

FICA – Đợt phát hành sẽ giúp Việt Nam tái cấu trúc tỷ lệ nợ công và đáp ứng nhu cầu phát triển, đầu tư của Chính phủ, nhưng nếu không tận dụng một cách hiệu quả nguồn vay nợ quốc tế, an ninh tài chính quốc gia có thể bị đe dọa nghiêm trọng hơn.

Lần thứ ba quay trở lại thị trường trái phiếu quốc tế kể từ 2010 tới nay, Việt Nam nổi lên như một hiện tượng với lượng cầu cao mức kỷ lục trong các đợt phát hành ở châu Á.

Dù khối lượng chào phát hành trái phiếu trong đợt này chỉ là 1 tỷ USD với mức lợi suất trái phiếu 4,8%/năm (thấp hơn rất nhiều so với các lần chào bán trước đó), khối lượng đặt cầu hiện tại đã đạt tới mức 10,6 tỷ USD với sự tham gia của 450 nhà đầu tư.

Với tương quan cung cầu như trên, tỷ lệ thầu của đợt phát hành trái phiếu Việt Nam này được đánh giá là thành công nhất không chỉ đối với Việt Nam mà còn cao nhất trong lịch sử huy động vốn quốc tế tại thị trường châu Á – báo cáo phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định.

Trước đó, thời điểm năm 2005, Việt Nam lần đầu tham gia thị trường trái phiếu quốc tế với khoản vay 10 năm trị giá 750 triệu USD trong bối cảnh chi phí lãi suất không quá cao nhờ mức xếp hạng tín nhiệm Ba3/BB-, thậm chí xấp xỉ mức Ba2/BB- của Philippines và cao hơn vài bậc sơ với xếp hạng B2/B+ của Indonesia.

Tuy nhiên, khoản vay trên đã được Vinashin, doanh nghiệp nhà nước được vay lại từ khoản vay trên, sử dụng không hiệu quả khiến tín nhiệm của Việt Nam thậm chí bị Philippines và Indonesia bỏ xa. Khoản vay năm 2010 đáo hạn 2020 trị giá 1 tỷ USD cho dự án lọc dầu Dung Quất được sử dụng hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô ngày một cải thiện, lạm phát duy trì thấp, tỷ giá ổn định, cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối tăng... trong suốt thời gian vừa qua đã nâng mức tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng đối với Việt Nam (BB- với S&P, BB- với Fitch, và B1 với Moody’s).

Theo nhận định của BSC, rõ ràng hơn, trong lần phát hành trái phiếu này, Việt Nam chấp nhận mua lại một phần nợ với giá cao và lợi suất 6,875% càng gia cố niềm tin vào mức tín nhiệm quốc gia. Những lý do trên đem lại sự thành công vượt dự kiến của Việt Nam: Tỷ lệ bán cho chủ nợ cũ/ chủ nợ mới là tăng đáng kể từ mức 50/50 ban đầu lên mức 73/27, phù hợp với mục đích đảo nợ các khoản trái phiếu đáo hạn vào năm 2016 và 2020 sắp tới.

Nhìn nhận một cách tổng quan, Việt Nam có lẽ đang chọn đúng thời điểm để phát hành trái phiếu USD bởi mặt bằng lãi suất USD hiện tại khả năng cao là vùng trũng cuối cùng trong bối cảnh FED quyết định dừng chương trình nới lỏng định lượng QE đồng thời có khả năng nâng lãi suất USD trong thời gian tới.

“Như vậy, với chi phí vay giảm đáng kể, lượng trái phiếu huy động này sẽ giúp Việt Nam tái cấu trúc tỷ lệ nợ công, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển, đầu tư của Chính phủ. Thiên thời, địa lợi là như vậy, nhưng nếu không tận dụng một cách hiệu quả nguồn vay nợ quốc tế, an ninh tài chính quốc gia có thể bị đe dọa nghiêm trọng hơn” – trích báo cáo BSC.

Dù sao, chúng ta cũng có thể lạc quan bởi trước mắt, nếu đợt phát hành trái phiếu quốc tế này thành công, Việt Nam ít nhất cũng thành công trong việc tái cơ cấu các khoản vay, đưa mức lãi suất của các khoản nợ xuống mức thấp hơn, từ đó tiết giảm chi phí vay nợ quốc gia trong khoảng thời gian 5 năm tới.

Mai Chi

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *