Thấy gì ở kinh tế Việt Nam khi giá dầu sụt giảm "chóng mặt"?

FICA - Trong khi có những lo ngại Việt Nam cán cân xuất khẩu cũng như ngân sách nhà nước sẽ bị tác động do giá dầu giảm thì ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sản xuất trong nước và người dân được lợi.

Tại Báo cáo triển vọng kinh tế Vĩ mô tháng 11 vừa được HSBC phát hành, tổ chức này cho biết, giá dầu Brent đã giảm xuống còn 70,15 USD/một thùng vào ngày 28/11, sau khi OPEC quyết định không giảm sản lượng. Xét về khía cạnh thương mại thuần, đó là một bước phát triển tích cực.

Cán cân dầu thuần của Việt Nam đang nghiêng về chiều dương vào tháng 11 và HSBC tin rằng điều này sẽ giúp hỗ trợ vị trí thương mại của Việt Nam (một nhà nhập khẩu dầu trị giá ít hơn 0,5 tỷ USD mỗi năm). Nhưng, HSBC cũng lưu ý rằng, các nhà sản xuất Việt Nam và người tiêu dùng sẽ được lợi từ việc giá dầu giảm.

Khảo sát PMI mới nhất của HSBC cũng cho thấy các nhà sản xuất được lợi từ việc giá cả đầu vào giảm mạnh, cho phép họ chuyển phần tiết kiệm được qua cho khách hàng, và điều này dẫn đến giá cả đầu ra giảm.

Chỉ số CPI toàn phần tại Việt Nam giảm còn 2,6% trong tháng 11 so cùng kỳ năm trước do chi phí vận chuyển giảm thấp hơn và theo nhận định của HSBC, chi phí vận chuyển sẽ còn giảm nữa. Có nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ được lợi từ việc tăng thu nhập sau thuế cũng như từ sự vực dậy của ngành sản xuất, để họ có thể dần mở rộng chi tiêu.

HSBC dự báo tiêu thụ cá nhân tại Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,6% trong năm 2015 từ mức 5,4% của năm 2014. Nhà nước tăng chỉ tiêu GDP lên 6,2% cho năm 2015, và HSBC cho rằng, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong năm sau dù chỉ là tăng nhẹ.

Về mặt tài chính, HSBC dự đoán doanh thu từ dầu sẽ giảm do giá dầu thô Brent giảm. Nhưng điều này sẽ không tác động đến các dự báo về thâm hụt của Việt Nam, rằng, năm nay đến năm sau, thâm hụt xảy ra do chu kỳ tự nhiên của cán cân tài chính.

Thêm vào đó, Bộ Tài Chính thường bảo thủ trong việc ước tính giá dầu thô Brent (75-85 USD/thùng) do đó làm giảm tác động tâm lý tiêu cực từ việc giá dầu thể giới giảm mạnh. Nhưng cũng cần lưu ý rằng tổng thu ngân sách đã không giảm nhiều như tốc độ giảm dần của phần đóng góp của doanh thu dầu trong tổng thu. Thuế thu nhập doanh nghiệp và doanh thu xuất khẩu đã tăng trong nhưng năm qua, bù đắp cho sự phụ thuộc vào doanh thu dầu.

HSBC lưu ý, “chúng tôi không nói doanh thu tài chính sẽ không giảm nhưng nhiều khả năng tác động rất hạn chế”. Nguyên nhân do một là giá dầu giảm sẽ được thể hiện trên ngân sách giả định; và hai là doanh thu từ dầu sẽ không còn quan trọng như trước đối với tổng thu ngân sách.

Theo HSBC, những điều này sẽ tốt cho nền kinh tế khi Việt Nam đang thực hiện những nỗ lực công nghiệp hoá ngày càng hướng vào năng lượng. Vì vậy, giá dầu giảm sẽ có lợi cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

“Chúng tôi có quá tích cực về triển vọng của Việt Nam? Chúng tôi không nghĩ vậy”. HSBC cho rằng, có hai yếu tố quan trọng là xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh và ổn định từ các mức thấp hơn trước đó; và sự phát triển thiên về xuất khẩu phù hợp với nguồn nhân công Việt Nam, tài nguyên và vị trí địa lý cạnh tranh thuận lợi.

Áp lực tiền công tăng tại Trung Quốc cũng như áp lực cắt giảm chi phí đang khiến các doanh nghiệp hàng điện tử đa dạng hoá sang phía Bắc của Việt Nam, là nơi gần với nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và gần một trong các sân bay chính, cũng như các cảng của Việt Nam.

HSBC lưu ý rằng, đơn giá công lao động tăng mạnh tại nhiều quốc gia. Đơn giá công lao động tại Việt Nam (ULCs) vẫn còn thấp. Và đây chỉ là ước tính về tính cạnh tranh của giá, không phải là tính toán toàn diện về tính cạnh tranh.

Ngoài ra, Việt Nam đang dần có thêm thị phần trên thị trường xuất khẩu quốc tế và cả về lợi thế so sánh hiện hữu (RCA). Chỉ số RCA sử dụng các dòng chảy thương mại của một quốc gia để đo lường lợi thế hoặc yếu thế cạnh tranh trong một ngành cụ thể của một quốc gia. Chỉ số trên 1 chỉ báo rằng phần xuất khẩu của quốc gia đó trong ngành lớn hơn phần xuất khẩu của thế giới trong cùng ngành đó – một bằng chứng của tính cạnh tranh.

HSBC tin rằng,  Việt Nam đang áp dụng một chính sách đúng đắn khi sử dụng giá nhân công và lợi thế tài nguyên để thu hút ngành sản xuất sử dụng nhiều vốn. Chỉ cần Việt Nam tiếp tục cải thiện tính hiệu quả của nguồn lao động, việc phân bổ vốn và tài nguyên để bù đắp cho tính cạnh tranh về giá tất yếu sẽ bị ăn mòn trong tương lai, triển vọng của nền kinh tế sẽ sáng sủa.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *