Tái cơ cấu DNNN: Hầu như mới ban hành văn bản?

Theo TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, trong hơn 1 năm qua, kết quả đạt được hầu như chỉ là việc ban hành văn bản chính sách mà chưa bám sát nội dung và yêu cầu của tái cơ cấu DNN.

Sức ì từ đầu tư công và DNNN

Thuyết trình chính tại Diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hôm 22/11, TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng lo lắng chính những giằng co trong quan điểm, tiếp cận chính sách đã làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế. Cho đến nay, vẫn còn ngổn ngang, bộn bề trên nhiều mặt, từ nhận thực, quan điểm tư tưởng cho đến sự lung túng trong các giải pháp thực hiện.

TS Cung đánh giá, tái đầu tư công trong mấy năm qua về cơ bản vẫn mang tính tình huống, ngắn hạn, chủ yếu xử lý thực trạng quyết định đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn hơn là việc thiết lập một thể chế mới để quản lý hiệu quả hơn vốn nhà nước. Trong khi đó, lại có không ít dấu hiệu cho thấy nguy cơ nới lỏng chính sách tài khóa, gia tăng vốn đầu tư Nhà nước, từng bước tái diễn lại tình trạng đầu tư phân tán, kém hiệu quả.

DNNN, đầu-tư-công, tái-cấu-trúc, tái-cơ-cấu, tăng-trưởng, lạm-phát, tập-đoàn, GDP, lãng-phí, nhóm-lợi-ích, tapdoan-doan, dau-tu-cong, tai-co-cau
Tốc độ tái cơ cấu chưa được như mong đợi.

Ông Cung ví dụ, hiện các địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản lên tới 91.000 tỷ đồng. Rất có thể Chính phủ sẽ phải chi trả, hoặc ít nhất sẽ cho phép chính quyền địa phương huy động trái phiếu xử lý. Điều này cũng có nghĩa, vốn huy động được sẽ tiếp tục được dùng để xử lý vấn đề quá khứ, thanh toán cho một phần không nhỏ các dự án còn dở dang, hoặc đã hoàn thành nhưng kém hiệu quả.

“Hiện tượng đầu tư theo phong trào vẫn đang tiếp diễn mà ví dụ gần đây nhất, khi đang suy giảm kinh tế thì vẫn có thêm 2 sân bay ‘cấp tỉnh’ được bổ sung vào quy hoạch, được khai trương hoạt động”, ông Cung cảnh báo.

Kế đến là câu chuyện tái cơ cấu DNNN cũng đang chậm chân tại chỗ. Theo TS Cung, trong hơn 1 năm qua, kết quả đạt được hầu như chỉ là việc ban hành văn bản chính sách mà chưa bám sát nội dung và yêu cầu của tái cơ cấu DNNN. Tiến trình cổ phần hóa vẫn hết sức chậm chạp, năm 2012 cả nước chỉ cổ phần hóa có 13 doanh nghiệp, bằng 14% kế hoạch. 7 tháng đầu năm nay, cũng chỉ có thêm 16 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Việc thoái vốn thì ì ạch vì thị trường bất động sản, chứng khoán đi xuống. Thoái vốn còn theo tư duy bán để cắt lỗ, chứ không phải là để phân bổ lại nguồn lực.

Theo ông Cung, mặc dù quan điểm đã công bố từ nhiều năm nay về việc phải áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thì đến nay, việc này vẫn không có chuyển biến nhiều. Những DNNN yếu kém vẫn chưa phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của cạnh tranh thị trường.

Còn ngập ngừng chưa dám trả giá

Câu chuyện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế đã được đặt ra từ năm 2009. Vây mà 4 năm sau, các chuyên gia kinh tế vẫn chưa thể lạc quan.

Chuyên gia Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: Ai là người ngập ngừng tái cơ cấu kinh tế?. Bà Lan nêu ví dụ, với DNNN, có vị nào lại đi lấy đá ghè chân mình? Trông chờ họ tự đổi mới, tái cơ cấu hiệu quả là rất khó, trong khi hầu hết các đề án này đều không được công bố công khai, người dân không giám sát.

DNNN, đầu-tư-công, tái-cấu-trúc, tái-cơ-cấu, tăng-trưởng, lạm-phát, tập-đoàn, GDP, lãng-phí, nhóm-lợi-ích, tapdoan-doan, dau-tu-cong, tai-co-cau
Chấp nhận trả giá để tái cơ cấu thành công.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế cũng thẳng thắn: “Chưa có động thái nào trong quá trình tái cơ cấu kinh tế cho thấy xoay chuyển thực sự hệ thống phân bổ động lực. Quá trình phân bổ nguồn lực hiện nay vẫn như thế mà không cần tái cơ cấu, vẫn là chi thường xuyên như vậy, chi đầu tư như vậy. Tiền cho tái cơ cấu chưa bàn luận đến”.

“Liệu nền kinh tế Việt nam có thoát khỏi những vấn đề của năm vừa qua không? Ta tập trung vào các giải pháp ngắn hạn để giải quyết tình thế rồi vấp phải trở ngại về cơ cấu kinh tế. Đến bây giờ, việc đưa ra chương trình hành động thực sự vẫn chưa rõ ràng. Đây là điểm rất đáng lo ngại”, TS Thiên nói.

Tuy nhiên, theo TS Cung, không phải đã bế tắc về các giải pháp tái cơ cấu kinh tế. Các giải pháp này cũng đã được kiến nghị nhiều lần, song điều quan trọng hơn là đổi mới nhận thức và tư duy sẽ là điều kiện không thể thiếu.

Vì thế, TS Lê Xuân Bá cho rằng, muốn tái cơ cấu kinh tế, chúng ta buộc phải chấp nhận trả giá trong ngắn hạn và phải xác định rằng, không phải trong 6 tháng, 1 năm, 2 năm mà có kết quả ngay.

Xét về ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế hình như đang có dấu hiệu phục hội. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5,14%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 5,1%. GDP quý sau cao hơn quý trước như quý I là 4,76%, quý II là 5% và quý III là 5,54%.

Tuy vậy, xét cả giai đoạn 2007-2013, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế, chưa có dấu hiệu phục hồi. Tốc độ tăng GDP đã giảm từ 8,5% năm 2007 xuống 6,2% năm 2008, 5,5% năm 2009, 6,78% năm 2010, 5,89% năm 2011 và 5,03% năm 2012.

Sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn, đình trệ. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động đạt mức kỷ lục, sức cạnh tranh thấp trong khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, niềm tin của người dân, nhà đầu tư giảm sút.

Theo  Phạm Huyền
VEF

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *