• -

Tái cơ cấu chính các ông đi!

Bấy lâu nay, chuyện tái cơ cấu nền kinh tế được bàn đã nhiều, nhưng chưa ai đặt vấn đề muốn tái cấu trúc cái gì thì trước hết là tái cấu trúc con người, bộ máy lãnh đạo.

“Trước khi đi họp Quốc hội, có một lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi thế này: Các ông đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông” - đại biểu Nguyễn Văn Hiến đã phát biểu như vậy tại buổi thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, diễn ra ngày 1.11.

Quá hay, quá đúng và quá thẳng thắn. Bấy lâu nay, chuyện tái cơ cấu nền kinh tế được bàn đã nhiều, nhưng chưa ai đặt vấn đề muốn tái cấu trúc cái gì thì trước hết là tái cấu trúc con người, bộ máy lãnh đạo. Chỉ có người giỏi, người tài, người đức lãnh đạo thì mới có sự thay đổi. Còn dù đặt ra mô hình, chiến lược hay ho mấy đi nữa, mà những người lãnh đạo trực tiếp vẫn như cũ thì sẽ không hiệu quả.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu quan điểm tương tự: “Không đổi mới cán bộ, không đổi mới được nền kinh tế, vì các chuyên gia quốc tế nói rằng, nếu ông đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu. Phải có người khác đến đổi mới”.

 

Tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng cơ cấu bộ máy như cũ thì sẽ không có sự đột phá để khai thông nền kinh tế, phát triển ở một đỉnh cao khác, có chất lượng hơn. Cũng cái đầu mụ mị cũ làm sao tiếp thu được cái mới, chưa kể cố tình không thay đổi vì sợ “chặt chân mình”. Một tay làm rượu lậu thì có khoác trăm chiếc áo mới cũng chỉ có thể thay đổi được não trạng từ làm rượu lậu thành buôn rượu lậu mà thôi.

 

Nhìn lại sự sụp đổ của một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, sẽ thấy nguyên nhân chủ yếu là do vai trò của cá nhân lãnh đạo đơn vị. Với những người năng lực và đạo đức như vậy, đặt họ vào vị trí lãnh đạo là sai lầm.

 

Biết là vậy, nhưng sẽ rất khó để tái cấu trúc bộ máy, bởi vì tuyển dụng theo tiêu chuẩn “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” thì những người có trí tuệ thực sự bị loại từ “vòng gửi xe”.

 

Tiếc thay! Nói như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Tiềm năng của đất nước không phải tài nguyên thiên nhiên, mà chính là con người, là thể chế…

 

Giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người”. Thực ra, tiềm năng của đất nước là con người là đủ, không cần phải thêm thể chế là tiềm năng. Bởi vì, thể chế do con người tạo ra. Có người tài giỏi, ắt có thể chế thông minh.

 

Vì vậy, hãy tái cơ cấu con người trước khi nói đến các mô hình lý tưởng khác. 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *