Số phận dự án thua lỗ thứ 13 của Bộ Công Thương chờ Bộ Chính trị quyết định

Liên quan đến dự án mỏ kali tại Lào là dự án của chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là dự án theo thỏa thuận của hai nước Việt Nam và Lào. Hiện nay, dự án chưa đưa vào hoạt động, mới ở bước chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hải, sau khi phân tích dự án, Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thấy nếu tiếp tục triển khai dự án đưa vào hoạt động thì hiệu quả không bảo đảm, thậm chí kể cả đời dự án sẽ tiếp tục lỗ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Nguyên nhân chính là giá thành đầu ra của muối mỏ kali Lào không được như mong đợi. Khi làm dự án tiền khả thi, theo dự toán, lúc đó giá là 500 USD/tấn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay giá thành hạ xuống chưa được 300 USD/tấn, thậm chí có lúc xuống mức 250 USD/tấn.

Quan điểm hiện nay của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là tất cả các dự án, đặc biệt là dự án kinh tế thì phải bảo đảm hiệu quả.

Chính vì thế, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã họp rất nhiều lần, cùng các bộ ngành có liên quan đề xuất báo cáo Bộ Chính trị về đề án này.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương: Hiện Bộ Chính trị cũng đã họp và hiện nay chúng tôi đang chờ quyết định chính thức của Bộ Chính trị và sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo cũng như quy định của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành.

Điều hết sức quan trọng là cố gắng bảo đảm mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và CHDCND Lào, đây là mối quan hệ hết sức tốt đẹp, truyền thống và rất đặc biệt.

Ngoài vấn đề liên quan đến dự án mỏ kali, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương chia sẻ thông tin về lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương

Theo ông Phương, các bước lập Tổ công tác, nhóm giúp việc cho Chính phủ về lập Ủy ban trên đã được thành lập mới đây. Bộ KH&ĐT cũng vừa trình Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan về cơ chế hoạt động bộ máy, tổ chức.

Dự kiến, Chính phủ sẽ thông qua nghị quyết về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban trong quý II/2018.

Về câu hỏi sự khác nhau của Ủy ban với SCIC để đảm bảo hiệu quả, ông Phương nhấn mạnh: SCIC chỉ là một mô hình về quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước. Còn Ủy ban là cơ quan quản lý tổng thể (tổng tài sản Ủy ban này quản lý là khoảng 5 triệu tỷ đồng, một con số rất lớn), là định chế bao trùm, có những văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng bao quát toàn bộ vấn đề này.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *