Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quay đầu giảm

FICA - Niềm tin người tiêu dùng đã giảm nhẹ trong tháng 9 nhưng nguyên nhân căn bản dẫn đến sự giảm nhẹ của chỉ số tháng này đến từ kỳ vọng về giá cả của người tiêu dùng.


Theo báo cáo cập nhật của ANZ, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan đã giảm nhẹ xuống còn 135 điểm (tương ứng giảm 0,5 điểm) trong tháng 9. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn trung bình năm 2014 (tính từ đầu năm) là 132 điểm. 


Lý do chính khiến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam giảm nhẹ trong tháng này được cơ quan khảo sát lý giải do ngày càng nhiều người tiêu dùng đánh giá “đây là thời điểm xấu” để mua các vật dụng chính trong gia đình.


Mặc dù có sự giảm sút nhẹ về niềm tin người tiêu dùng nói chung, nhưng xét về tình hình tài chính cá nhân, 58% (tăng 2%) người Việt Nam dự đoán rằng tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này năm tới (mức cao nhất trong năm 2014), trong khi đó, chỉ có 5% (không thay đổi) số người được hỏi cho rằng tình hình tài chính gia đình của mình sẽ “xấu hơn” (mức thấp nhất trong năm 2014).


Thêm vào đó, 31% (giảm 1%) người Việt Nam nói rằng thời tình hình tài chính của gia đình họ vào thời điểm hiện nay “tốt hơn” năm trước, so với 21% (không thay đổi) số người người được hỏi nói rằng tình hình tài chính của gia đình họ “ xấu hơn” năm ngoái.


Nhận xét về tình hình kinh tế Việt Nam, 54% (tăng 3%) người được hỏi dự đoán rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới, và chỉ có 14% (giảm 1%) người tiêu dùng Việt dự đoán rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu”.


60% (không thay đổi) người tiêu dùng Việt dự đoán rằng tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới, trong khi chỉ có 7% (tăng 2%) người nghĩ rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu”.
Khoảng 40% (không thay đổi) người tiêu dùng Việt Nam nói rằng “đây là thời điểm tốt” để mua các vật dụng chính trong gia đình so với 21% (tăng 5%) người được hỏi cho rằng đây là “thời điểm xấu” để mua các vật dụng này.


Theo nhận định của ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ, “Trong vài tháng trở lại đây, niềm tin người tiêu dùng đang trong quá trình được cải thiện lên một mức cân bằng mới phù hợp với sự phát triển đều đặn của các yếu tố cơ bản của nền kinh tế thay vì chịu ảnh hưởng từ các mâu thuẫn địa-chính trị đang dần cải thiện - điều này được thể hiện trong việc tăng mạnh của chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong các tháng gần đây. 


Quá trình đó bây giờ đã chấm dứt. Niềm tin người tiêu dùng đã giảm nhẹ trong tháng 9 nhưng nguyên nhân căn bản dẫn đến sự giảm nhẹ của chỉ số niềm tin tháng này đến từ kỳ vọng về giá cả của người tiêu dùng”. 


Theo đó, 4 trong 5 câu hỏi chính trong cuộc khảo sát niềm tin tiêu dùng cho thấy sự lạc quan đã được duy trì ổn định hoặc được cải thiện trong tháng qua. 


Chỉ có một sự suy giảm nhỏ trong tỷ lệ người Việt Nam tin rằng họ ở trạng thái tốt hơn vào thời điểm hiện tại so với một năm trước đây. Tuy nhiên, có nhiều người tiêu dùng Việt cho rằng bản thân và gia đình của họ sẽ ở trạng thái tốt hơn vào năm tới so với thời điểm hiện tại, và có nhiều người dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ ở trạng thái tốt trong 12 tháng tới.


Cũng theo ông Glenn, sự suy giảm nhẹ về niềm tin người tiêu dùng trong tháng 9/2014 chủ yếu được quyết định bởi 21% (tăng 5%) số người được hỏi trả lời rằng họ cảm thấy đây là “thời điểm xấu” để mua các vật dụng chính trong gia đình. 


Với việc lạm phát tiếp tục giảm trong thời gian gần đây, những người tiêu dùng có hiểu biết về giá cả có thể đang dự đoán giá cả sẽ giảm trong tương lai. Và khi họ quyết định chi tiêu vào thời điểm trong tương lai đó thì cuối cùng, điều này sẽ vẫn đem lại một bức tranh tích cực cho tình hình tiêu dùng của nền kinh tế Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *