Nền kinh tế cần có kế sách để thoát khỏi trì trệ

FICA - Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, nền kinh tế đã “thoát đáy”, nhưng tiến độ phục hồi còn chậm chạp, chưa bền vững.

Hôm nay 21/10, trong chương trình kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, các đại biểu đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, với những nỗ lực giải quyết khó khăn, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, cũng như giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng những tháng cuối năm 2014 và năm 2015.

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, vốn là các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế đã “thoát đáy”, nhưng tiến độ phục hồi khá chậm chạp, chưa bền vững.

Cho rằng kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhất ASEAN hiện nay (154%) nên những tác động của tình hình quốc tế có thể tạo ra những cú sốc cho nền kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) lưu ý, GDP nước ta trong 4 năm qua bình quân chỉ tăng 5,4%/ năm,dù có nhích lên qua từng năm song vẫn là giai đoạn trì trệ nhất trong nhiều năm trở lại đây…

Do đó, “trong điều kiện chỉ số đầu tư ICOR (hệ số sử dụng vốn) của Việt Nam vẫn ở mức cao như hiện nay, muốn tăng trưởng 6,2% trở lên mà tổng đầu tư xã hội dự kiến chỉ tương đương 30% GDP là không khả thi”, và theo tính toán của ông Ngân, “để đạt được mục tiêu như Chính phủ dự kiến thì ICOR phải thấp dưới 5%, trong khi thực tế ICOR tốt nhất cũng là 5,5% trong suốt 10 năm qua”.

Còn theo đánh giá của đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), điều đáng mừng là chỉ số tăng trưởng kinh tế (mấy năm gần đây thường không đạt) nhưng năm nay có khả năng hoàn thành với mức tăng trường GDP đạt 5,8% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chỉ có 1 chỉ tiêu năm nay có thể chưa hoàn thành là lao động qua đào tạo. Bày tỏ suy nghĩ về các con số báo cáo, đại biểu Trần Ngọc Vinh phân vân: “Nếu số liệu này chuẩn, chính xác thì tốt đẹp. Nhưng theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, tôi nghi ngờ con số này chưa thật chính xác vì chưa hết năm”.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng năm 2014 có 53,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký tăng 13,9%, vốn bình quân 1 doanh nghiệp là 6 tỷ đồng, tăng 24,6%, tạo việc làm cho hơn 795 nghìn lao động và có gần 11,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi con số doanh nghiệp phá sản là 51,244 nghìn doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh tính toán: “Lấy số mới trừ đi số doanh nghiệp giải thể thì chỉ còn được 1.281 doanh nghiệp mới thành lập. Con số này là không đáng kể. Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, một số ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng năm nay tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ…”. Do vậy, “tình hình như vậy mà Chính phủ dự báo là vẫn hoàn thành chỉ tiêu GDP thì tôi thấy còn băn khoăn”.

Đại biểu Vũ Xuân Hồng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đánh giá: Tình hình kinh tế bên ngoài có những khủng hoảng, ảnh hưởng lớn tới chúng ta. Trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng đã có những nỗ lực lớn.

Theo ông Hồng, các giải pháp tăng trưởng kinh tếkhông chỉ trong ngắn hạn, mà còn trong trung và dài hạn, đó chính là việc tái cơ cấu nền kinh tế, mà yếu tố quyết định là phân bổ nguồn lực cho đầu tư. Do đó, Chính phủ cần tính toán nguyên tắc phân bổ nguồn lực cho đầu tư có trọng điểm và theo vùng.

Còn đại biểu Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phân tích, trong năm 2014 Chính phủ đã nỗ lực lớn và duy trì dược mức độ tăng trưởng. Bước sang 2015, tăng trưởng phải gắn với vấn đề giải quyết việc làm bền vững. Một trong các giải pháp cần quan tâm là tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp. “Tôi cho rằng, giải pháp đột phá không chỉ ngắn hạn mà cả trung, dài hạn là phải tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Muốn vậy, phải phân bổ nguồn lực cho đầu tư cũng phải tính toán quy tắc, xác định trọng tâm, tạo động lực và sức lan tỏa, nên tập trung phát triển kinh tế theo vùng”, đại biểu Trương Văn Vở đóng góp.

Nhưng theo Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, việc chi thường xuyên tăng cao; nợ công chạm ngưỡng an toàn trong khi khả năng trả nợ không cao, dẫn đến tình trạng đi vay để đảo nợ  là một số những điểm rất cần sự quan tâm thích đáng của Quốc hội để xử lý căn cơ.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *