Mô hình tăng trưởng: Luật chơi, cách chơi chưa thay đổi

Chất lượng các yếu tố thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa được cải thiện nhiều, dẫn đến luật chơi, cách chơi vẫn giậm chân tại chỗ.

Bấp bênh chất lượng

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định, lựa chọn phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế là ba đột phá chiến lược cho giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chất lượng các yếu tố đó ở nước ta không tiến bộ nhiều trong thời gian gần đây, thậm chí có yếu tố còn xấu đi.

Cụ thể, chất lượng của kinh tế vĩ mô hiện nay có phần xấu hơn so với năm 2010. Năm 2010, chỉ số kinh tế vĩ mô của nước ta đạt 4,8/7 điểm và được xếp thứ 65/142 nền kinh tế. Năm 2012, điểm số này giảm xuống còn 4,4 và xếp thứ 87/148 nền kinh tế.

Cũng phải nói rõ, theo đánh giá của WEF, kinh tế vĩ mô của nước ta năm 2012 đã cải thiện được 0,2 điểm và tăng được 19 bậc trên bảng xếp hạng (từ hạng 106 tăng lên hạng 87/148).

Trên thực tế, kinh tế vĩ mô của nước ta đã ổn định dần, liên tục được cải thiện, nhất là từ năm 2012 đến nay. Lạm phát liên tục giảm từ khoảng 18% năm 2011 và nay ổn định ở mức 6 - 7%/năm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ gia tăng; các cân đối vĩ mô cơ bản cũng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin thị trường được khôi phục là yếu tố không thể thiếu để tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Phát triển nguồn nhân lực, được đo bằng chất lượng giáo dục học nghề và đại học, cũng không có nhiều cải thiện: tăng thêm 0,2 điểm (từ 3,5 điểm năm 2010 lên 3,7 điểm năm 2012, tương ứng từ thứ hạng 103/142 tăng lên 95/148 nền kinh tế).

Tương tự như vậy đối với chất lượng cơ sở hạ tầng. Điều đáng nói thêm là, những tiến bộ về chất lượng hạ tầng chủ yếu nhờ phát triển mạng thông tin di động; còn chất lượng của các loại cơ sở hạ tầng khác như đường sắt, đường bộ, hàng không, cảng biển, cung cấp điện… thì không được cải thiện, hoặc xấu hơn theo mặt bằng quốc tế.

Trong các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thì thể chế là quan trọng nhất. Bởi vì, thể chế phù hợp thúc đẩy không chỉ tái cơ cấu kinh tế, mà cả phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và ổn định kinh tế vĩ mô.

Giới chuyên gia và hoạch định chính sách trong nước cũng cho rằng, thể chế là khâu quan trọng nhất, nhưng cũng là điểm yếu nhất của hệ thống kinh tế của chúng ta hiện nay. Chất lượng thể chế của nước ta trong mấy năm gần đây không những không được cải thiện, mà còn có phần xấu đi.

Cụ thể, điểm số chất lượng thể chế năm 2008 là 3,9/7 thì đến năm 2013 giảm xuống còn 3,5 điểm. Tương ứng, xếp hạng giảm từ vị trí 63/133 xuống vị trí 98/148 nền kinh tế xếp hạng.

Với các số liệu trên đây, có thể nói, chúng ta chưa đạt được sự thay đổi quan trọng trong 3 lĩnh vực đột phá chiến lược. Điều đó cho thấy, những nỗ lực cải cách và công việc đã làm trên các lĩnh vực nói trên chưa phù hợp; hoặc chưa đủ rộng, đủ mạnh và đủ sâu để tạo sự khác biệt nhằm đạt kết quả như mong muốn.

Luật chơi chưa đổi

Như đã nói, thể chế là khâu quan trọng nhất quyết định xu hướng, quy mô và tốc độ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thể chế bao gồm 3 nội dung chính: “luật chơi”, “cách chơi” và “người chơi”. Trong đó, cách hình thành “luật chơi” và nội dung của “luật chơi” chưa có nhiều thay đổi.

“Luật chơi” vẫn tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật (nghị định, thông tư) và các quyết định điều hành mang tính hành chính của các cấp có thẩm quyền.

Chỉ tính riêng Chính phủ trung ương, hàng năm có 3.000 - 4.000 văn bản điều hành được ban hành; 600 - 700 thông tư được ban hành… Như vậy, hiệu lực pháp luật đang dựa nhiều vào giải thích và cách thức thực hiện của các bộ, ngành và người có thẩm quyền có liên quan.

“Luật chơi” nói trên có thể đang quy định “cách chơi” theo lối “xin – cho” và “ban phát”. “Luật chơi” và “cách chơi” cũng sẽ quy định và lựa chọn “người chơi”; họ phải là những người có quyền “xin” và có thể xin được; và người có quyền “cho”. Một phần không nhỏ lợi ích đã hình thành qua quan hệ “xin - cho” cho các bên có liên quan, mà không phát sinh từ các hoạt động kinh tế tạo ra giá trị mới cho xã hội.

Thể chế nói trên đang tạo động lực khuyến khích hình thành “khu vực kinh tế địa tô”, theo đó, người ta thu lợi nhờ có quyền ban hành các quyết định hành chính để thực thi luật pháp, phân bố nguồn lực và quyền kinh doanh, hay thu lợi nhờ độc quyền kinh doanh, chi phối quyền đầu tư kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực có liên quan, mà không cần phải bỏ ra một lượng lao động tương ứng.

Thể chế đó có thể ngăn cản, thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của các nguyên tắc “bao dung”, “bình đẳng” và “công bằng”; làm thui chột và xói mòn động lực đổi mới, sáng tạo công nghệ và cạnh tranh thị trường; làm sai lệch giá trị và động lực khuyến khích, dẫn đến phân bố sai lệch và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả; làm giảm tốc độ gia tăng phúc lợi xã hội…

Đột phá về thể chế phải là những cải cách mở rộng dư địa hoạt động và nâng cấp mức độ phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; khống chế, hạn chế và dần triệt tiêu cơ chế “xin – cho”, “ban phát”, thu hẹp khu vực kinh tế địa tô; khuyến khích và không ngừng mở rộng khu vực kinh tế tạo lợi nhuận, tạo giá trị gia tăng thông qua đổi mới quản lý, đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới và chuyển giao công nghệ, cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường hiện đại.

Tuy có sự đồng thuận rằng, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là tất yếu trong giai đoạn hiện nay, nhưng nhận thức, quan điểm và quan niệm về bản chất, nội dung của tái cơ cấu kinh tế chưa giống nhau, ngay cả trong các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách.

Có quan niệm cho rằng, tái cơ cấu chỉ là điều chỉnh, khắc phục một số sai lầm, yếu kém nhất thời của giai đoạn vừa qua; nhờ vậy, nền kinh tế sẽ từng bước phục hồi, trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao như trước đây.

Ý kiến khác (trong đó có tác giả của bài viết này) cho rằng, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, về bản chất, phải là cuộc cải cách lần hai; là quá trình thay đổi sâu rộng và nâng cấp thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, tạo hệ thống động lực khuyến khích mới theo chuẩn mực kinh tế thị trường phổ biến và hiện đại để thông qua đó thực hiện phân bố lại và sử dụng nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn. Và như vậy, đổi mới kinh tế phải đi cùng với đổi mới đồng bộ hệ thống chính trị.

Ngoài ra, trước sức ép của các vấn đề cấp bách trước mắt, cách tiếp cận lựa chọn chính sách phù hợp để phục hồi tăng trưởng cũng khác nhau và lựa chọn “trọng cầu” có vẻ đang thắng thế. Sự lựa chọn đó cũng đang cản trở việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, làm chậm lại quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Như vậy, để thực hiện tái cơ cấu kinh tế, phải thực hiện nhiều thay đổi trên nhiều cấp độ khác nhau, từ tư duy, quan niệm, chủ trương, quan điểm, đến các giải pháp cụ thể.

Mục tiêu trên hết là hiệu quả

Phần kiến nghị dưới đây không có tham vọng thay đổi trên diện rộng, mà chỉ tập trung vào một số giải pháp có thể thực hiện được trong khung thể chế hiện hành, với cách tiếp cận xoay quanh mục tiêu “hiệu quả, hiệu quả và hiệu quả”.

Giải pháp đầu tiên là cải thiện môi trường kinh doanh, giảm và đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí tuân thủ.

Trong bối cảnh hiện tại, việc thiết lập một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng là việc không dễ làm. Tuy vậy, có thể thực hiện cải cách, giảm thời gian và chi phí tuân thủ, giảm chi phí giao dịch để qua đó tăng thêm hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Theo đó, có thể bỏ 4 thủ tục gia nhập thị trường sau đăng ký (thủ tục đăng báo, thủ tục đăng ký lao động, đăng ký công đoàn và đăng ký bảo hiểm); việc mở tài khoản ngân hàng có thể kết hợp và lồng với đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, bỏ yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thứ ba, thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí xuất khẩu và nhập khẩu… Theo tính toán sơ bộ, nếu chúng ta giảm được 15 ngày trong thực hiện thủ tục nhập khẩu và 15 ngày trong thủ tục xuất khẩu, thì GDP có thể tăng thêm hơn 27 tỷ USD.

Ngoài ra, có thể thực hiện hàng loạt thay đổi khác, như ban hành, thực hiện trình tự đặc biệt cho việc giải quyết tranh chấp và thực thi các tranh chấp hợp đồng có giá trị nhỏ; đơn giản hóa thủ tục để được cung cấp điện...

Việc thực hiện các giải pháp nói trên cần có hành động cụ thể với một lộ trình hợp lý, hơn là liên tục ban các nghị quyết của Chính phủ. Những bài học về Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp trong các năm 2000 - 2003 có thể vẫn hữu ích cho việc thực hiện các giải pháp này.

Tóm lại, Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã xác định khung khổ tương đối rõ và chặt chẽ về cách thức triển khai tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Và kết quả tái cơ cấu kinh tế cho đến nay mới chỉ là bước đầu. Vẫn còn “ngổn ngang” và “bộn bề” trên nhiều mặt, từ nhận thức, quan điểm, tư tưởng, đến các giải pháp thực hiện.

Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: “Nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau, dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển”.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là tất cả các giải pháp tái cơ cấu kinh tế đều bị bế tắc và không triển khai được. Song, đổi mới nhận thức, tư duy vẫn là điều kiện không thể thiếu không chỉ đối với giới lãnh đạo, mà cả giới chuyên gia hoạch định và tư vấn chính sách. Sự thay đổi cần thiết, đầu tiên là phải nhanh chóng chuyển trọng tâm chính sách phục hồi kinh tế từ chú trọng quản lý tổng cầu sang các giải pháp cải cách phía cung của nền kinh tế.

(*) Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Nguyễn Đình Cung (*)

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *