Lần đầu tiên dân được trực tiếp “kêu oan” với Bộ trưởng

Hàng loạt vụ việc khiếu kiện phức tạp, có dấu hiệu tiêu cực kéo dài nhiều năm trời đã được người dân trực tiếp trình bày với 2 thành viên Chính phủ

Ngày 22/7, tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã đồng chủ trì buổi tiếp công dân đầu tiên.

Lần đầu tiên dân được trực tiếp “kêu oan” với Bộ trưởng

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì buổi tiếp dân đầu tiên ngày 22/7 tại Hà Nội.



Tại buổi tiếp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng thanh tra Chính phủ đã lắng nghe một số vụ việc người dân trực tiếp khiếu nại, tố cáo, trong đó có một số vụ việc nổi cộm như vụ bà Nguyễn Thị Bé, trú tại cụm 11, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, khiếu nại về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường tỉnh lộ 70 (huyện Đan Phượng, Hà Nội) từ năm 2001.

Vụ 25 hộ dân ở B14 tập thể Bệnh viện Bạch Mai, nay là số 26, ngõ Lương Định Của, phường Phương Mai, Đống Đa (Hà Nội), tố cáo Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung, nguyên Chủ tịch UBND phường Phương Mai Nguyễn Văn Lương, Giám đốc Công ty Bảo Long Đinh Văn Cường đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vu khống, phá hủy nhà cửa, tài sản, chiếm đoạt đất đai của các hộ dân để thực hiện dự án xây dựng nhà ở chung cư cao tầng tại khu vực chợ tạm Phương Mai.

Vụ bà Hoàng Thị Vinh đại diện cho một số hộ kinh doanh tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đề nghị hủy bỏ các dự án xây dựng trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, khu dịch vụ thể dục thể thao, trường THCS tại xã Ninh Hiệp do Công ty TNHH Thương mại Tuấn Dung làm chủ đầu tư đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt; giữ nguyên không thay đổi nghĩa trang xã Ninh Hiệp, điểm trông giữ xe phục vụ chợ Nành... 

Trong các vụ việc nói trên, đáng chú ý là vụ “mất nhà” 25 hộ dân phường Phương Mai từ 10 năm trước dù 3 lần được Thanh tra Chính phủ và Bộ Xây dựng vào cuộc, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả thoả đáng.

Theo phản ánh của các hộ dân, thực tế hơn 10 năm qua, từ thời điểm bị cưỡng chế họ vẫn chưa được đền bù, bồi thường và phải thuê nhà ở khiến cuộc sống hết sức khó khăn. Đại diện các hộ dân cho biết họ không thể chấp nhận giá đền bù 200.000 đồng/m2 đất mặt phố. Bên cạnh đó, chế độ đền bù có cả tiền thuê nhà trong khi chờ tái định cư nhưng họ mới chỉ được hưởng tiền hỗ trợ của một năm trong khi suốt 10 năm phải đi thuê nhà. Trong vụ việc này, Bộ Xây dựng đã hai lần lập đoàn thanh tra nhưng không thể kết luận hết những vấn đề người dân tố cáo.

Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, cơ quan này từng đưa ra kết luận được Thủ tướng đồng ý nhưng ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ cũng như kết luận thanh tra không được Hà Nội chỉ đạo quận Đống Đa chấp hành

Trong khi đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên lấy làm tiếc và nhận lỗi với người dân vì “vụ việc này đã đến Thủ tướng nhưng chưa được làm rõ”. Bộ trưởng khẳng định sẽ báo cáo tình tiết này cho Thủ tướng đồng thời kiến nghị người đứng đầu Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện dự án, kết quả thanh tra sẽ minh bạch cho dân biết.

Khép lại buổi tiếp dân, đại diện các thành viên Chính phủ đã kết luận đối với từng vụ việc cụ thể và yêu cầu Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo phía Bắc, Ban tiếp công dân Trung ương phối hợp với chính quyền các địa phương liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra, xác minh lại nội dung những vụ việc mà người dân phản ánh để sớm giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho công dân.

Đối với những vụ việc khó giải quyết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có kết luận và báo cáo với Tổng thanh tra Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ xử lý.

Theo Từ Nguyên

Vneconomy

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *