Kinh tế năm 2014: “Kịch bản” nào?

Kinh tế Việt Nam trải qua một năm đầy khó khăn, thậm chí không ít chuyên gia kinh tế cho rằng đã “chạm đáy”. Bước sang năm 2014, dưới bàn tay đạo diễn của Chính phủ, “kịch bản” của nền kinh tế sẽ “diễn” như thế nào? Đây cũng là câu hỏi được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi câu trả lời.

Những nhận xét và dự báo của một số chuyên gia trong và ngoài nước dưới đây có thể góp một phần nhỏ vào câu trả lời đó.

Nhận diện rõ hơn thực trạng nền kinh tế

PGS.TS Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Sức khỏe nền kinh tế Việt Nam đang rất yếu, nền kinh tế lại có độ mở cao nên sẽ nhạy cảm với kinh tế thế giới. Năm 2014 cần nhận diện rõ hơn, sâu hơn thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Các ý kiến đánh giá tình hình, thực trạng kinh tế vẫn rất khác nhau. Cách nhìn về “xu hướng phục hồi bắt đầu được tái lập”, quá trình tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn chưa thực sự diễn ra đúng cách. Vì vậy, cần làm rõ hơn, có lý lẽ hơn những “song đề” được nêu ra gần đây: Nền kinh tế đang tăng trưởng thực sự là bao nhiêu khi các cơ sở tăng trưởng yếu? Có cần chi phí để tái cơ cấu nền kinh tế không? Lấy chi phí ở đâu khi ngân sách và doanh nghiệp đều yếu? Kế hoạch ngân sách không có phần dành cho tái cơ cấu, liệu quá trình tái cơ cấu có diễn ra được không?

Đặc biệt, sự “méo mó” trong chính sách tiền tệ (điển hình là chính sách lãi suất cao, tỷ giá hối đoái cố định, trong một nền kinh tế lạm phát cao, đẳng cấp công nghệ thấp và lệ thuộc đầu vào nhập khẩu) đang nghiêm trọng đến mức nào? Trả lời đúng câu hỏi này mới có được những định hướng  giải quyết đúng. Đây là một điểm then chốt để đánh giá tương lai và triển vọng của nền kinh tế.

Niềm tin thị trường là yếu tố quan trọng

TS. Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Nội dung cơ bản của tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2013- 2020 là huy động khoảng 30-35% GDP cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, tái đầu tư công trong mấy năm qua về cơ bản vẫn mang tính tình huống, ngắn hạn, chủ yếu xử lý thực trạng đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn, đầu tư dàn trải... hơn là thiết lập một thể chế mới để quản lý vốn nhà nước.

Hơn một năm qua, kết quả đạt được trong tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy các giải pháp đang thực hiện chưa bám sát nội dung, yêu cầu của tái cơ cấu doanh nghiệp. Tiến trình cổ phần hóa hết sức chậm. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành gặp nhiều khó khăn, nếu không có những giải pháp kỹ thuật phù hợp, khó hoàn thành trước năm 2015. Việc áp đặt đầy đủ nguyên tắc, kỷ luật thị trường, nguyên tắc quản trị tốt với các doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến, cả trong tư duy, quan niệm và hành động chính sách.

Kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin thị trường được khôi phục là yếu tố quan trọng không thể thiếu để tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Năm 2014, hy vọng có sự thay đổi với hàng loạt chính sách mới đang được soạn thảo, tranh luận và tham vấn.

Tia sáng cho nền kinh tế từ đâu?

TS.Võ Trí Thành -  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Do nền kinh tế Việt Nam rất mở về thương mại, đầu tư, nên những thay đổi, biến động của nền kinh tế thế giới chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Dự báo của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều khá thận trọng. Việt Nam sẽ phục hồi theo chiều hướng chung của thế giới nhưng chưa mạnh. Năm 2013, kinh tế có thể tăng trưởng 5,3- 5,4%, năm 2014 là 5,5% và đến 2015 sẽ tăng trưởng khoảng 5,7- 5,8%. Những dự báo này thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2014 là 5,8% và năm 2015 khoảng 6%.

Tất nhiên, quá trình phục hồi nền kinh tế không đơn giản và có rủi ro vì nó nằm trong tương tác với ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế. Vậy tia sáng cho nền kinh tế có thể có từ đâu?

Câu trả lời ở chính hai cụm từ “thực sự ổn định kinh tế vĩ mô” và “thực sự cải cách”. Khi đó lòng tin quay trở lại, được củng cố, nhất là với những luồng gió đến từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang đàm phán, được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong hai năm 2014- 2015 như TPP, RCEP, EVFTA... Tia sáng ấy một lần nữa nhắc ta bài học phải nhất quán trong cải thiện và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ máy điều hành cần trí tuệ cao

TS. Đinh Sơn Hùng -  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều thành tựu trong việc ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển tốt. Nhưng kèm theo vẫn còn đó khá nhiều vấn đề chưa giải quyết được, đặc biệt là việc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa có bước tiến đáng kể, tốc độ đổi mới công nghiệp còn chậm, năng suất lao động thấp, các yếu tố đầu vào cao... đe dọa tăng trưởng kinh tế trong dài hạn…

Tuy vậy, năm 2014 được dự đoán sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho Việt Nam, điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không chỉ có TPP, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại và hợp tác khác như: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Song, thách thức và cơ hội luôn đan xen khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng. Các cơ hội sẽ được tận dụng ra sao, các thách thức sẽ giải quyết thế nào trong cuộc cạnh tranh, suy cho cùng vẫn từ trí tuệ. Vì thế, bộ máy điều hành nền kinh tế rất cần sự trí tuệ để đạt hiêu quả cao, thách thức và cơ hội cân bằng nhau.

Tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%

TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Năm 2014, Chính phủ cần tập trung mạnh hơn những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tái cấu trúc, giải quyết hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng... Đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiên định với các chính sách hỗ trợ sẽ tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, cộng hưởng với cú hích từ gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài.

Trong môi trường kinh tế nhiều biến động, nền kinh tế và doanh nghiệp phải bảo đảm được các yếu tố: khả năng chịu đựng/đối phó; sự bền vững; sự sáng tạo- cải tiến; sự công bằng và bao dung đối với tất cả các tầng lớp trong xã hội và năng lực cạnh tranh.

Dự báo, năm 2014, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,8%, trong khi giá tiêu dùng tăng 7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%...

Kỳ vọng các chính sách sẽ tốt hơn

Ông Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, thành viên Tập đoàn Bosch (Đức)

Một số giải pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm giảm lạm phát, cải tiến cơ sở hạ tầng và xử lý nợ xấu đã bước đầu thu được kết quả. Dù năm 2013 có những khó khăn nhất định nhưng chúng tôi hài lòng với kết quả đạt được. Từ nay đến năm 2016, chúng tôi quyết định đầu tư thêm 208 triệu USD để mở rộng, tăng công suất dây chuyền sản xuất dây truyền lực dùng cho hộp số tự động biến đổi liên tục (CVT pushbelt) của Nhà máy Bosch tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Với khoản đầu tư mới này, chúng tôi xem Việt Nam là trung tâm sản xuất linh kiện ôtô ở khu vực.

Bosch kỳ vọng các chính sách của Chính phủ Việt Nam sẽ tốt hơn và kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm nay, Bosch sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong nước để thiết lập thêm những xưởng sửa chữa và bảo trì ôtô, xe gắn máy trên khắp cả nước.

Năm 2014 sẽ có chuyển biến tích cực

Ông Eric Sebastian Teoh Giám đốc Công ty VIM Consulting Group

Chúng tôi trực tiếp chứng kiến tình hình kinh tế khó khăn sau vai năm hoạt động tư vấn đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt giai đoạn từ năm 2007- 2009. Dù đang đối mặt với suy thoái kinh tế, nhưng VIM Consulting Group tin tưởng năm 2014 sẽ là năm có chuyển biến tích cực với nền kinh tế Việt Nam và thị trường Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn năm 2013 bởi nhiều lý do: Nhà đầu tư nước ngoài nhận giấy chứng nhận đầu tư dễ dàng hơn; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ được hoạt động trong lĩnh vực logistics và chuyển phát nhanh theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO; việc đàm phán TPP sẽ mở ra cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may; ngành công nghiệp bán lẻ như F&B và hệ thống siêu thị sẽ càng sôi động tại quốc gia có hơn 90% dân số này, nhất là sự có mặt của những thương hiệu lớn như KFC, Lotteria, Burger King, Starbucks và mới đây nhất là AEON và Mac Donald.

Lạc quan cho năm 2014

Ông David Teng - Tổng giám đốc Công ty Sơn AkzoNobel Việt Nam

Với việc ngành bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế, công việc kinh doanh của công ty hiện tại đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn, tuy nhiên, AkzoNobel vẫn có lợi nhuận và Dulux& Maxilite tiếp tục là những nhãn hiệu dẫn đầu trong các phân khúc tiêu dùng mà AkzoNobel đang cạnh tranh trên thị trường.

Có rất nhiều yếu tố tại thị trường Việt Nam giúp hỗ trợ đẩy mạnh tăng trưởng trung và dài hạn như: Dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa, đầu tư nước ngoài, số lượng khách hàng có thu nhập cao ngày một nhiều hơn và số lượng không nhỏ các tòa nhà cũ cần được cải tổ, nâng cấp. AkzoNobel đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hồi phục tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sự hỗ trợ cho ngành xây dựng và nhà ở. Chúng tôi đã thấy được một số dấu hiệu hồi phục của ngành và do đó cũng cảm thấy lạc quan hơn cho năm 2014.

Cần thực thi những cải cách cơ bản

Ông Elmar Dutt- Tổng giám đốc Công ty TANNER Việt Nam

Là nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỹ thuật đầy đủ và duy nhât tại khu vực Đông Nam Á, 9 năm qua, TANNER VN đạt mức tăng trưởng 20- 30% mỗi năm. Từ năm 2004, TANNER VN đã phát triển hoạt động kinh doanh với thị phần lên đến 35% tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Lợi nhuận từ thị trường Việt Nam chủ yếu từ dịch thuật tài liệu kỹ thuật chất lượng cao. Đối với các dịch vụ công nghệ cao khác, chúng tôi vẫn chưa thực sự có thị trường bởi trên thực tế, Việt Nam thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế có sự ràng buộc về pháp lý.

TANNER VN mong đợi nền kinh tế sẽ đạt sự ổn định mạnh mẽ trong năm tới. Kinh tế của Việt Nam chỉ có thể phát triển khi Chính phủ chỉ đạo và thực thi những cải cách kinh tế cơ bản. Để có thể đạt mức tăng trưởng tiềm năng (khoảng 7%), các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cần phải được tái cấu trúc về căn bản; hệ thống tài chính phải được “đại tu” toàn bộ; ưu tiên đầu tư công...


Hơn một năm qua, kết quả đạt được trong tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy các giải pháp đang thực hiện chưa bám sát nội dung, yêu cầu của tái cơ cấu doanh nghiệp. Tiến trình cổ phần hóa hết sức chậm. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành gặp nhiều khó khăn, nếu không có những giải pháp kỹ thuật phù hợp, khó hoàn thành trước năm 2015. Việc áp đặt đầy đủ nguyên tắc, kỷ luậ+t thị trường, nguyên tắc quản trị tốt với các doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến, cả trong tư duy, quan niệm và hành động chính sách.

Cần làm rõ hơn, có lý lẽ hơn những “song đề” được nêu ra gần đây: Nền kinh tế đang tăng trưởng thực sự là bao nhiêu khi các cơ sở tăng trưởng yếu? Có cần chi phí để tái cơ cấu nền kinh tế không? Lấy chi phí ở đâu khi ngân sách và doanh nghiệp đều yếu? Kế hoạch ngân sách không có phần dành cho tái cơ cấu, liệu quá trình tái cơ cấu có diễn ra được không?

Theo Công thương

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *