HSBC: "Giải mã" sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam

FICA - HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới. Giải ngân cho đầu tư sẽ tiếp tục tăng đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở.

Theo đánh giá của HSBC tại báo cáo kết nối giao thương vừa công bố sáng nay (17/9), Việt Nam có lợi thế lớn là nằm ở trung tâm Châu Á là khu vực thương mại năng động nhất trên thế giới. Do đó có đến 3/4 các doanh nghiệp tham gia khảo sát của tổ chức này cho biết, các đối tác thương mại chính của họ nằm trong khu vực này. 

Theo HSBC, Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn thị trường và các yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng thương mại của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam nằm ở trung tâm châu Á, giữa các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, và nhiều nước Đông Nam Á khác. 

Nguyên nhân thứ nhì là triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có nhiều cải thiện, lạm phát dưới mức 5% trong năm, trạng thái xuất siêu duy trì gần đây và tiền tệ ổn định. 

Các hiệp định thương mại trong những năm gần đây đã thắt chặt quan hệ hợp tác thương mại trong khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế. Và đây chính là nguyên nhân thứ ba thúc đẩy thương mại nội vùng Châu Á phát triển hơn trong những năm gần đây.

HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới. Để hỗ trợ đà tăng trưởng này, giải ngân cho đầu tư sẽ tiếp tục tăng đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở.  

Nhập khẩu máy móc công nghiệp là ngành nhập khẩu lớn nhất Việt Nam và các chuyên viên phân tích tại HSBC chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu máy móc công nghiệp cho đến 2030. Ngành này sẽ đóng góp gần 1/3 cho tăng trưởng nhập khẩu Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, và Malaysia sẽ là những thị trường nhập khẩu phát triển nhanh của Việt Nam do lợi thế địa lý gần.

Với nền công nghiệp đa dạng bên cạnh viêc mở rộng đầu tư, HSBC tin Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng của thị trường mới nổi Châu Á.  

Cũng theo nhận định được HSBC đưa ra tại báo cáo, ngành sản xuất thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau dệt may, từ nay cho đến 2030. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu thiết bị viễn thông sẽ tạo nhiều đất cho doanh nghiệp trong nước phát huy sản xuất để thay thế các sản phẩm, linh kiện nhập khẩu hiện nay.

Từ năm 2009, Samsung Việt Nam là nhà sản xuất thiết bị viễn thông chính tại Việt Nam với nhà máy sản xuất điện thoại di động trị giá 2,5 tỷ USD. Nhà máy này có sản lượng năm sau tăng gấp đôi năm trước. 

Năm ngoái, Samsung lại tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai trị giá 2 tỷ USD và đang tính đến việc xây dựng thêm một nhà máy thứ ba. "Điều này cho thấy các doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng khai thác nguồn lao động sản xuất lớn, giá rẻ, và có tay nghề cao của Việt Nam" - theo HSBC. 

Bên cạnh đó, hãng điện tử LG cũng đang sản xuất các thiết bị điện tử công nghệ cao tại Việt Nam và cũng có nhiều kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất tại đây.

Trước mắt, gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát HSBC cho rằng, các hoạt động thương mại sẽ sôi nổi hơn trong  tháng tới, một phần ba trong số đó cho biết lý do là do lực cầu cao hơn từ các thị trường chính.  

Xuất siêu từ năm 2012 giữ tiền Đồng ổn định nhưng nhu cầu nhập khẩu cao sẽ khiến mức xuất siêu giảm trong những năm tới. Và do đó, 22% doanh nghiệp được hỏi vẫn lo ngại về các biến động tỉ giá.

Chỉ số Tin cậy thương mại của HSBC – Chỉ số của nửa đầu năm 2014 tăng đến 120 điểm,  cao nhất trong ba năm rưỡi qua nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 132 điểm của nửa cuối 2010. Có 54% doanh nghiệp cho biết các rào cản tăng trưởng kinh tế là giá cả dịch vụ hậu cần, vận chuyển và kho bãi cao. 

Nhìn chung, báo cáo HSBC cho rằng, Việt Nam đã có các bước tiến tốt nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh trong mười năm qua. Điều thiết yếu là tiếp tục nỗ lực cải thiện điều kiện kinh doanh.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *