Hàng loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ hôm nay 1/9

FICA - Tháng 9 được đánh giá là tháng "trọng điểm" của hàng loạt chính sách "nóng" về kinh tế được thực thi...

Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước

Theo Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, Chính phủ chỉ xem xét lựa chọn tổng công ty làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế và thành lập mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định.

Cụ thể,  tổng công ty nhà nước được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế phải đáp ứng đầy đủ 6 điều kiện sau:  Kinh doanh có lãi trong ba 3 năm liên tiếp liền kề trước năm được lựa chọn; Tình hình tài chính được chủ sở hữu đánh giá ở mức độ bảo đảm an toàn; Trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực hoạt động; Trình độ trang thiết bị, công nghệ ở mức tiên tiến; quản lý hiện đại; Quản lý có hiệu quả cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác; Hoạt động trong phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài.

Nghị định cũng quy định doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp bị chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau... Những quy định tại Nghị định này có hiệu lực kể từ hôm nay, 1/9.

Doanh nghiệp được giảm hơn 200 giờ khai, tính thuế

Đây là một trong nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung quy định để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế. Theo đó, Thông tư đã bỏ quy định khai và tính thuế VAT đối với hàng hóa, bán sản phẩm tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh; Bỏ quy định khai và tính thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại phải nhập khẩu trở lại.

Bên cạnh đó, Thông tư 119 còn bỏ mức 1 tỷ đồng về điều kiện tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm đối với doanh nghiệp mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Đồng thời, thông tư bỏ điều kiện hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong điều kiện hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (cơ sở kinh doanh sử dụng ngay hóa đơn thương mại trong hồ sơ hải quan)... và một loạt thủ tục khác.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/9/2014, thực hiện những nội dung này doanh nghiệp sẽ giảm được 201,5 giờ tính thuế, khai thuế.

Không nhập khẩu máy móc cũ đã sử dụng quá 5 năm

Theo Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ, kể từ ngày hôm nay 1/9, nhiều loại máy móc cũ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được siết chặt hơn.

Với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp; sử dụng trong ngành rượu, bia, nước giải khát có cồn và không cồn hoặc máy móc, thiết bị ngành bưu chính như thiết bị chia chọn thư, bưu kiện; máy lồng gấp phong bì; máy sản xuất phong bì; thiết bị đăng tải, Thông tư quy định, chỉ được nhập khẩu các máy móc, thiết bị có thời gian sử dụng không quá 03 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

Riêng đối với máy móc, thiết bị cũ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, phục vụ đóng tàu, sửa chữa tàu…, ngoài việc phải có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% như trên, còn phải có thời gian sử dụng tối đa lần lượt là 7, 10 và 15 năm.

Hà Nội ban hành mức thu lệ phí địa chính mới

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 60/2014/QĐ-UBND về việc thu lệ phí địa chính trên địa bàn thành phố. Theo đó, kể từ ngày 1/9, miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn.

Tuy nhiên, trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh được cấp giấy chứng nhận ở nông thôn thì không được miễn lệ phí.

Ngoài ra, Quyết định cũng quy định, trong năm 2014, đơn vị được thu phí phải nộp ngân sách 90%, được giữ lại 10% tổng số lệ phí thu được. Kể từ 1/1/2015 đơn phị thu phí phải nộp ngân sách nhà nước 100% số lệ phí thu được, các chi phí liên quan đến công tác thu phí sẽ được cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.

Được cho, tặng ngoại tệ

Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.

Nghị định có hiệu lực từ 5/9/2014.

Vi phạm quy định về bán hàng đa cấp phạt đến 100 triệu đồng

Theo Nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong đó, hành vi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì sẽ bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng.

Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2014.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *