Hàng dệt may Việt Nam sẽ "tấn công" sang Trung Quốc?

FICA - Việt Nam nằm ở trung tâm Châu Á và có tiền công lao động thấp hơn Trung Quốc. Theo HSBC, sản lượng XK hàng dệt may sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.

Tại báo cáo HSBC kết nối giao thương vừa được công bố sáng nay, tổ chức này cho rằng, ngành sản xuất hàng dệt may Việt Nam có vị trí vững vàng trên thị trường quốc tế do chi phí nhân công thấp tạo tính cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm Châu Á. 

Lĩnh vực xuất khẩu các thiết bị viễn thông là ngành xuất khẩu lớn thứ nhì của Việt Nam cũng đang trên đà phát triển. Theo HSBC, tăng trưởng xuất khẩu của hai ngành này sẽ nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam lên hơn mức 11% cho giai đoạn 2014-2020.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 17% với lượng hàng  từ hai lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất Việt Nam là may mặc, dệt may và các thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông tăng 25% trong năm 2013. Do xuất khẩu mạnh nên Việt Nam đã duy trì được trạng thái xuất siêu kể từ năm 2012 và điều này cũng góp phần ổn định tiền tệ.

Việt Nam nằm ở trung tâm Châu Á và có tiền công lao động thấp hơn Trung Quốc. Phần lớn người Việt đang dần nâng cao kiến thức, cùng với cơ sở hạ tầng tốt đã hỗ trợ cho tăng trưởng các ngành có chi phí sản xuất thấp như dệt may.

Thị trường xuất khẩu dệt may trọng yếu của Việt Nam đang từng bước chuyển sang hướng Đông. Xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc chiếm 6% trong tổng sản lượng của ngành trong năm 2013, các nước khác trong khu vực, không tính Nhật, chiếm 12% trong tổng sản lượng. HSBC cho rằng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 phản ánh nhu cầu tăng cao từ thị trường trung cấp.

Trung Quốc là nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, cũng là nguồn cung dệt may chính của Việt Nam.  Trong năm 2013, Việt Nam nhập khẩu 95% lượng hàng dệt may từ các nước trong khu vực Châu Á.

Trong khi đó, thị phần xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ dự báo sẽ giảm từ mức 50% của 2013 xuống gần 40% vào 2020. Tuy chỉ mới là thị trường tương đối nhỏ so với các thị trường Châu Á và phương Tây, nhưng Trung Đông đang tăng trưởng nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu dệt may quan trọng của Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *