Giá dầu thô giảm: ngân sách hụt thu, người dân hưởng lợi?

FICA - Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2014 ngày 01/12/2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn nên cho biết nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách nhà nước sẽ "hụt" thu 1.000 tỷ đồng.

Nếu như trong năm 2015, mặt bằng giá dầu giảm còn trên dưới 80 USD/thùng, Ngân sách nhà nước theo đó sẽ ghi nhận "hụt" mất 20.000 tỷ đồng.

 

Theo thông tin được đưa ra tại phiên họp, hiện giá xăng dầu thế giới vẫn đang tiếp tục giảm mạnh từ 105 USD/thùng (cuối tháng 7/2014) xuống 68,53 USD/thùng (ngày 28/11/2014) - mức thấp nhất trong vòng 4-5 năm qua.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách Nhà nước hụt thu 1.000 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, việc giá dầu thô giảm cũng được các chuyên gia kinh tế đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó nhiều ý kiến cho rằng sẽ mang lại tích cực. GS TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam: “Theo quy luật, giá dầu thô giảm, những nước dựa nhiều vào xuất khẩu mặt hàng này sẽ chịu thiệt hại”. Đây là quy luật thị trường và theo ông Thái, giá dầu thô giảm kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm và như vậy người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

 

GS Thái cho biết: “Chính phủ đang tính thiệt hại thuần về giá trị xuất khẩu dầu thô khi chịu tác động giá dầu thô thế giới giảm. Thiệt hại về ngân sách này thì rõ rồi. Tuy nhiên, đây là sự thiệt hại chung của các nước xuất khẩu dầu, ta là nước xuất khẩu dầu thì không phải là ngoại lệ. Ở góc độ tiêu dùng và bài toán thị trường, giá dầu thô giảm sẽ kích cầu tiêu dùng nhiều hơn và từ đó đóng góp vào tăng trưởng. Đây là phần cần được Chính phủ và cơ quan chức năng tính đến và có những chính sách quản lý phù hợp”.

 

Ông Thái lấy ví dụ: “Giá dầu thô giảm, giá xăng dầu thành phẩm giảm kéo theo giá bán giảm dẫn đến giá chi phí vận tải giảm, giá của hàng hóa sẽ rẻ hơn. Người tiêu dùng thay vì trả giá đắt hơn, tiêu dùng ít đi nay sẽ tiêu dùng nhiều hơn, mua được nhiều hàng hơn và đó là điều mà các doanh nghiệp đang cần trong lúc này. Tăng trưởng tiêu dùng mới là điều mà các doanh nghiệp quan tâm và tha thiết. Các nước lớn như Mỹ, Nhật và EU, kích thích tiêu dùng là một trong những động lực chính của tăng trưởng nền kinh tế”.

 

Dầu thô giảm, kéo theo giá xăng dầu giảm và đáng lẽ người dân sẽ nhanh chóng được hưởng lợi. Tuy nhiên, việc giảm giá dầu thô và sức lan tỏa của nó tại Việt Nam hiện rất chậm khiến người dân chịu thiệt.

 

Chuyên gia Kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định: “Cơ chế điều hành giá cả thị trường đang có vấn đề và gặp điểm nghẽn thực thi. Nếu nói dầu thô giảm giá, xăng dầu nhập khẩu giảm giá, người tiêu dùng được lợi. Về lý thuyết là như vậy, còn thực tế thì sao, dù Nghị định 83/2014/NĐ – CP về kinh doanh xăng dầu đã có hiệu lực, theo đó 15 ngày sau khi giá xăng dầu của thế giới giảm thì các DN xăng dầu trong nước phải hạ giá bán. Chúng ta mới điều tiết được giá xăng dầu, còn giá vận tải, giá hàng hóa giảm rất chậm, thậm chí chê ỳ không giảm. Tính lan toản, tốc độ lan truyền giảm giá xăng dầu đang rất chậm và cần phải gỡ bỏ nút thắt này ngay”.

 

Ở 1 góc độ khác, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét: Giá dầu thô hiện bị chi phối rất lớn từ địa chính trị quốc tế. Nhiều quyết định tăng giảm giá phụ thuộc vào tăng trưởng GDP toàn cầu, tình hình nội tại kinh tế các nước lớn và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới OPEC.

 

Trong báo cáo công bố ngày 07/10, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF)cho biết tăng trưởng toàn cầu có thể đạt 3.3% trong năm 2014 và 3.8% trong năm 2015. Với mức dự báo tăng trưởng GDP 2014 bằng năm 2013 nhưng năm 2015 GDP sẽ tăng hơn so hai năm kế cận với năm 2012 (3,4%) và với năm 2012 (3,4%). Bên cạnh đó, đầu tầu kinh tế thế giới là kinh tế Mỹ dần phục hồi, dự báo trên của IMF sẽ càng giúp các nước thành viên OPEC tiếp tục khai thác thêm sản lượng và tăng nguồn cung khiến giá dầu giảm.

 

Nguồn số liệu Tổng cục Hải Quan

 

Việc giá dầu thô thế giới giảm, có tác động đến kế hoạch và phát triển của các dự án nhà máy lọc dầu tại Việt Nam? Theo thống kê, hiện kế hoạch từ nay đến năm 2025 và 2030 Việt Nam có khoảng 8 nhà máy lọc dầu, trong đó Nhà máy lọc dầu công suất thấp nhất là 1 triệu tấn/năm (Hapaco - Hải Phòng), cao nhất là 20 triệu tấn/năm  – 30 triệu tấn (dự kiến)/năm (Nhơn Hội – Bình Định). Theo nhiều chuyên gia nhận định, giá dầu hiện tại có giảm nhưng sẽ không giảm sâu và ở cách tính lạc quan nhất, khi Việt Nam xây dựng các nhà máy lọc dầu hoàn chỉnh vào năm 2030 thì vẫn có lợi về giá khi nhập khẩu dầu thô để chế biến.

 

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng, giá dầu thô giảm, xăng dầu thương phẩm sẽ giảm và ngành lọc dầu của Việt Nam sẽ không được hưởng lợi bởi quy mô nhỏ, công nghệ chế biến không hiện đại bằng các nước phát triển. Bất lợi về cạnh tranh giá xuất khẩu xăng dầu thành phẩm sẽ gây khó khăn cho Việt Nam và cả tiêu thụ trong nước nữa, đặc biệt theo thỏa thuận WTO, năm 2018 Việt Nam phải thực hiện cơ chế tính giá ngang bằng các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Cùng với đó là cơ chế hoạt động theo điều tiết của kinh tế thị trường đầy đủ khi Việt Nam được thừa nhận là nền kinh tế thị trường.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *