GDP quý I cao bất ngờ: Công lớn nhờ khai thác mạnh dầu thô?

FICA – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, nếu tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 1 triệu tấn/năm thì GDP tăng 0,16%. Như vậy, trong quý I, khối lượng dầu thô khai thác tăng 373.000 tấn tác động lên tăng trưởng rất mạnh!

Trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 1/4/2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, với tốc độ tăng trưởng quý I hằng năm thường thấp, còn quý I năm nay có tốc độ tăng trưởng cao so với những năm khác, đây có thể coi là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và dần đi vào thế ổn định, phát triển.

Ông Lâm phân tích, kinh tế quý I năm nay tăng lên do 2 khu vực lớn: khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ, sản xuất kinh doanh. Cụ thể, khu vực công nghiệp, xây dựng trong quý I tăng trưởng là 8,35%; đóng góp 2,82 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, cao nhất trong giai đoạn từ 2011-2014.

Trong 8,35% này, riêng ngành công nghiệp tăng 9,01%, góp 2,61 điểm phần trăm cho tăng trưởng. Trong công nghiệp, công nghiệp khai khoáng, khai thác tăng rất mạnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực khai khoáng thì dầu thô là lĩnh vực tăng mạnh, cụ thể là tăng 9,8%, tăng so với năm trước là 373.000 tấn.

“Chúng ta biết rằng nếu tăng 1 triệu tấn/năm thì GDP tăng 0,16%. Như vậy, nếu tăng 373.000 tấn trong một quý thì sẽ tác động lên tăng trưởng rất mạnh” – lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay.

Tại khu vực dịch vụ, tất cả các dịch vụ kinh doanh đều có tăng trưởng tốt, có thể kể đến khu vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa có mức tăng trưởng cao (7,11%), dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (5,9%); trong khi năm trước tăng 4,9%.

Ông Lâm cho biết, “Chúng tôi đã tính toán, kiểm chứng lại, qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và các chỉ tiêu khác để xem sự tin cậy, tính chính xác của chỉ tiêu này như thế nào”.

Bên cạnh đó, sự khởi sắc của tăng trưởng cũng được thể hiện quả tiêu dùng điện cho sản xuất. Năm nay, sản lượng điện tăng 12,8%, trong đó điện dùng cho sản xuất tăng rất mạnh. Theo thống kê của Tổng cục, điện dùng cho sản xuất của quý I/2015 tăng 17,9%; trong khi điện dùng cho sản xuất quý I/2014 là 13,6%.

Bên cạnh tính chỉ tiêu GDP theo phương pháp sản xuất, cơ quan thống kê còn tính theo phương pháp sử dụng, tức là tính theo tích lũy, tiêu dùng và xuất nhập khẩu. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng dịch vụ tăng ở mức 10%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng ở mức 9,2%. Kết quả, tiêu dùng cuối cùng của quý I năm nay tăng 8,67%, cao nhất so với quý I giai đoạn 2011-2014.

Liên quan đến việc công bố kết quả thống kê hàng quý và hàng tháng vào ngày 26, liệu có sớm hay không? Ông Lâm cho hay, trong số liệu thống kê có 3 con số: Số ước tính, sơ bộ và chính thức.

Để phục vụ cho quản lý điều hành nền kinh tế của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan thống kê thường tính và công bố chỉ số GDP vào ngày 26 của tháng cuối quý. Đó là con số ước tính. Sau đó, đến tháng 6, sẽ tính GDP của quý II và rà soát lại GDP của quý I. GDP rà soát lại và công bố vào tháng 6 là con số sơ bộ.

“Chúng ta nhớ lại năm 2014, vào thời điểm tháng 3, chúng tôi tính và công bố chỉ số GDP là 4,96%. Sau đó tháng 6, khi đã kết thúc quý I và có đầy đủ thông tin hơn, chúng tôi rà soát lại và điều chỉnh chỉ số GDP là 5,06%”. Và như vậy, việc tính toán sớm nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, tất nhiên, “độ tin cậy có mức độ của nó”.

Trao đổi thêm với PV Dân trí bên lề cuộc họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chắc chắn sẽ cao do tác động của việc tăng giá điện ngày 16/3 và xăng dầu ngày 11/3 sẽ tác động rõ rệt hơn. Giá điện tăng 7,5% trong đợt vừa rồi sẽ làm cho CPI (cả gián tiếp và trực tiếp trong nhiều vòng và phân bổ qua nhiều tháng) tổng cộng tăng 0,46%. Vì tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng chi phí tiêu dùng. Đặc biệt, giá điện lại tính lũy tiến nên sự ảnh hưởng của giá điện thường có độ trễ nhất định.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *