GDP quý I/2015 có thể tăng 5,5-5,6%

FICA - Lạm phát đang có xu hướng tăng và khả năng cả năm nay lạm phát sẽ ở mức 3,5- 3,6%. Trong khi đó, GDP đã có chuyển biến tăng tốc, số liệu chính thức quý I sẽ công bố vào 26/3.

Tại buổi giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và quý I/2015 diễn ra sáng nay (ngày 25/3/2015), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, theo đánh giá ban đầu, tăng trưởng GDP trong quý I/2015 có thể đạt 5,5-5,6%. Tuy nhiên, con số chính thức phải chờ tới ngày 26/3 mới được công bố.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,15% so với tháng trước, bình quân quý I/2015 tăng 0,74%. Theo Thứ trưởng Thu, lạm phát đang có xu hướng tăng và khả năng cả năm nay lạm phát sẽ ở mức 3,5- 3,6%, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Nhìn chung, các nhận định đều cho rằng, tình hình kinh tế đã có chuyển biến tốt hơn năm ngoái. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát và GDP luôn tỷ lệ thuận, do đó, nhìn vào mức tăng của lạm phát cũng có thể thấy được GDP trong quý I sẽ cao hơn quý I/2014 nhưng sẽ thấp hơn quý IV/2014.

Số liệu thống kê đều cho thấy sự tăng trưởng liên tục từ năm 2012, tuy quý I có thể giảm nhẹ do Tết nhưng nhìn chung gia tốc dương cho thấy kinh tế trong đà hồi phục.

Thu ngân sách tăng phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện. Đặc biệt, chỉ số sử dụng điện năng và chỉ số sản xuất điện tăng cũng phần nào cho thấy bức tranh ngành sản xuất khá sảng sủa.

Cũng trong quý I/2015, vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 246.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Thu hút vốn ODA tính đến ngày 20/3/2015, tổng giá trị hiệp định ODA ký kết đạt khoảng 887,8 triệu USD, giảm gần 51% so với cùng kỳ. Giải ngân tháng 3 năm 2015 ước đạt 150 triệu USD; giải ngân cả quý I năm nay ước đạt 403 triệu USD.

Vì sao FDI sụt giảm mạnh?

Liên quan đến việc vốn FDI sụt giảm mạnh, một vị đại biểu đặt vấn đề vì sao FDI quý I năm nay lại giảm tới hơn 40% so với cùng kỳ. Trong khi đó, truyền thông đưa tin, các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, EU đều đang muốn dịch chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam?

Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thì cần nhìn vào điểm sáng đó là vốn giải ngân đạt 3,05 tỷ, tăng 7% trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, qua đó cho thấy dấu hiệu tốt về niềm tin của nhà đầu tư.

“Với nhiều yếu tố thuận lợi như hội nhập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì chắc chắn triển vọng thu hút đầu tư trong năm nay sẽ thuận lợi. Qua thời gian ngắn để đánh giá tình hình cả năm là chưa đủ” – ông Quang nhìn nhận.

Hơn nữa, theo ông Quang, vốn FDI đăng ký bị thu hẹp trong quý I năm nay chủ yếu do các dự án vẫn đang trong quá trình đàm phán và số liệu thống kê chỉ cho thấy những dự án quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó, năm 2014 lại đón nhận nhiều dự án tỷ Đô.

Thêm vào đó, theo ông Quang, có thể nhà đầu tư vẫn đang trong khuynh hướng chờ đợi Luật mới có hiệu lực vào 1/7. Riêng nhà đầu tư Nhật Bản, qua điều tra năm 2014 thì khoảng 70% doanh nghiệp Nhật thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư ở Việt Nam và các doanh nghiệp có hoạt động ở Việt nam đều có lãi tốt.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *