Du lịch Việt Nam: Bỏ phí hàng trăm triệu USD vì “tham lợi nhỏ”

FICA – Các chiến dịch quảng bá có mạnh mẽ và thú vị như thế nào đi nữa, du khách vẫn phải vấp phải khó khăn trong việc nhập cảnh vào Việt Nam bởi chính sách thị thực nghiêm ngặt. Và điều này khiến Việt Nam đã bỏ qua ít nhất 200 triệu USD mỗi năm.

Tiềm năng tăng mạnh thu hút khách du lịch từ 8% đến 18%
 
Báo cáo về lĩnh vực du lịch, nhà hàng và khách sạn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF) 2015, ông Ken Atkinson - Nhóm Công tác Du lịch của VBF dẫn số liệu thống kê gần đây của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, xu hướng đơn giản hóa chính sách thị thực đã bắt đầu có hiệu lực. 
 
Cụ thể, vào đầu năm 2008, khoảng 70% người dân toàn cầu cần thị thực khi đi du lịch. Con số này đã giảm xuống còn 64% vào năm 2010 và 60% vào năm 2013.
 
Để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và các dòng khách du lịch quốc tế (nhằm mục đích tăng thu nhập ngoại tệ, tạo công ăn việc làm...), nhiều nước đang nghiên cứu để từng bước mở rộng chương trình miễn thị thực, để đẩy mạnh sức cạnh tranh trên thị trường.
 
Lý do phản đối thông thường đối với việc loại bỏ hoặc nới lỏng các yêu cầu thị thực là sự sụt giảm doanh thu từ lệ phí cấp thị thực
 
Theo đại diện VBF, mặc dù có khả năng cạnh tranh hơn các nền kinh tế khác, một điểm đến tuy rất hấp dẫn nhưng Việt Nam lại có khó khăn trong việc cấp thị thực nhập cảnh. Điều này có thể dẫn đến việc Việt Nam đánh mất lưu lượng khách du lịch cho những nước có chính sách nhập cảnh thuận lợi hơn, như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, và Malaysia... Trong trường hợp này, dù các chiến dịch quảng bá du lịch mạnh mẽ và thú vị như thế nào đi nữa, du khách vẫn phải vấp phải khó khăn trong việc nhập cảnh vào Việt Nam bởi chính sách thị thực nghiêm ngặt.
 
Du khách đến từ các thị trường tiềm năng ở xa thường có xu hướng kết hợp nhiều điểm đến khác nhau trong chuyến đi của họ. Ví dụ, du khách đến từ châu Âu và Mỹ khi đến thăm Campuchia, Thái Lan và Malaysia thường cũng muốn đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, thủ tục thị thực bất tiện có thể làm cho họ từ bỏ ý muốn đến thăm Việt Nam - ông Ken Atkinson phân tích.
 
Chuyên gia VBF cho biết, trong năm 2014, Thái Lan đã đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn thị thực và lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia, trong đó 49 nướcnhận được miễn thị thực đơn phương. Cùng lúc Malaysia đã đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia bao gồm 85 quốc gia miễn thị thực đơn phương. Tương tự như vậy, Singapore đã đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và Singapore đã cấp miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 150 quốc gia trong đó 82 quốc gia được miễn thị thực đơn phương.
 
Nhật Bản, chỉ vừa bắt đầu chú trọng đến việc thu hút khách du lịch quốc tế vào năm 2003 khi thực hiện “Chiến dịch hãy đến thăm Nhật Bản” (Visit Japan Campain), tuy nhiên, trong giai đoạn 2001 - 2014, du khách đến Nhật Bản đã tăng 2,6 lần, và lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách vào năm 2013. Nhật Bản đang đặt mục tiêu sẽ đón 20 triệu lượt khách trước năm 2020.
 
Thị trường mục tiêu của Nhật Bản là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng nới lỏng chính sách thị thực cho công dân từ các nước này, kết quả mang đến của chiến dịch nàylà rất tích cực. Trong năm 2014, số lượng khách du lịch từ Thái Lan đã tăng 45,5%; khách du lịch từ Malaysia đến Nhật Bản tăng 41,1%; khách du lịch từ Philippines đến Nhật Bản tăng 70%.
 
Một báo cáo được công bố bởi UNWTO và Ủy ban du lịch, lữ hành thế giới (WTTC) nhấn mạnh rằng, Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh số lượng khách du lịch đến tăng từ 8% đến 18% nếu Việt Nam tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc cấp thị thực (ví dụ như thị thực tại điểm đến). Do đó, theo VBF, Việt Nam nên tìm đến những thị trường lớn nơi tập trung lượng khách du lịch có chi tiêu cao và những thị trường thương mại và đầu tư, và mở rộng danh sách các quốc gia được cấp thị thực tại điểm đến hoặc miễn thị thực. 
 
“Tham bát bỏ mâm”
 
Ông Ken Atkinson nhận định, lý do phản đối thông thường đối với việc loại bỏ hoặc nới lỏng các yêu cầu thị thực là sự tụt giảm doanh thu từ lệ phí cấp thị thực; tuy nhiên, các chuyên gia VBF tin rằng, hầu hết khách du lịch đi du lịch với một mức ngân sách nhất định và việc loại bỏ lệ phí thị thực sẽ dẫn đến chi tiêu nhiều hơn tại điểm du lịch mà những người được hưởng lợi trực tiếp là những người phục vụ trong ngành du lịch, theo đó là sự gia tăng mức thu thuế địa phương.
 
Việt Nam đang bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút du khách do trở ngại về thị thực
 
Để chứng minh cho lý do trên chỉ mang tính “thiển cận”, Nhóm Công tác Du lịch VBF tính toán, với số lượng khác du lịch tới từ các quốc gia Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand hiện đang chiếm tới 1,6 triệu lượt, nếu tính trung bình phí thị thực và phí giải quyết một hồ sơ là 70 USD thì tổng doanh thu từ lệ phí thị thực ước tính vào khoảng 11 triệu USD.
 
Mặt khác, nếu việc miễn thị thực dẫn tới mức tăng trưởng khoảng 10% số lượng khách du lịch đến Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc số lượng khách du lịch tới từ các quốc gia kể trên sẽ tăng khoảng 160.000 lượt. Dựa trên số ngày lưu trú trung bình hiện tại vào khoảng 11,3 ngày và mức chi tiêu trung bình một ngày vào khoảng 102 USD, thì tổng chi tiêu sẽ tăng thêm khoảng 200 triệu USD. Cả hai chỉ tiêu trên đều thấp hơn so với con số thực tế mà du khách từ các quốc gia kể trên đem lại.
 
Với mức tăng 200 triệu USD trên tổng doanh thu, ngành du lịch khách sạn sẽ đóng góp khoảng 20 triệu USD thuế GTGT và lợi nhuận ròng của Chính phủ sẽ vào khoảng 9 triệu USD và khoảng 180 triệu USD còn lại dành cho việc hỗ trợ đầu tư tư nhân đóng góp cho thị trường lao động và doanh thu cho Việt Nam.
 
Trên cơ sở trên, Nhóm công tác khuyến nghị Việt Nam cần nghiêm túc xem xét lại cơ chế cấp thị thực hiện tại của mình từ một góc độ hoàn toàn trung lập, không chịu ảnh hưởng thái quá từ các bên liên quan để chuyển sang một cơ chế khuyến khích du lịch và kinh doanh du lịch mà cơ chế đó không gây phương hại đến an ninh hay thu nhập của đất nước.
 
Cùng với việc xem xét và mở rộng chính sách miễn thị thực và các chính sách thị thực tại điểm đến thì     Việt Nam cần phải xem xét lại quy định cấm du khách được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày mà không có một thị thực hợp lệ.
 
Đồng thời, cần phải xây dựng một hệ thống cấp thị thực quá cảnh mà sẽ thu hút khách du lịch và phát triển Việt Nam như một trung tâm trung chuyển trong khu vực. Song song với đó là xem xét lại thị thực đối ứng theo yêu cầu của nhiều hiệp định thương mại do hiện tại dường như đang thiếu sự thống nhất.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *