Dự báo CPI tháng 8 tăng 0,4%-0,5%

FICA - Hai lần giảm giá xăng dầu liên tiếp dự báo sẽ làm cho CPI tháng 8 giảm khoảng 0,06%-0,08%.

Trong báo cáo vĩ mô tháng 7 vừa phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, diễn biến của lạm phát tháng 8 nhiều khả năng vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh giá của các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là do Nhà nước quản lý.

Theo đó, hai lần điều chỉnh giám giá xăng cách nhau chỉ 10 ngày nhiều khả năng sẽ tác động trực tiếp làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm khoảng 0,06%-0,08%.

Mặc dù việc giá xăng giảm sẽ bớt áp lực lên CPI nhưng ở chiều ngược lại, việc tăng giá của nhóm Dịch vụ y tế ở Hà Nội (tăng 20%) và dịch vụ giáo dục trước thềm năm học mới sẽ đẩy mức tăng theo tháng của CPI.

VCBS dự báo, CPI tháng này sẽ ở mức 0,4%-0,5% so với tháng trước, tương đương 4,5%-4,6% so với cùng kỳ. 

Trong tháng 9, do các tỉnh thành phố tiếp tục lộ trình tăng giá học phí nhưng mức tăng nhiều khả năng sẽ không mạnh và đột biến như cùng kỳ 2013, đặc biệt là ở TPHCM. Theo đó, VCBS cho rằng, diễn biến CPI cuối quý III theo cùng kỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục trượt iarm và có thể sẽ lùi về mức 4,2%-4,3%.

Cũng tại báo cáo lần này, với nhận định cho rằng, sự ổn định và đà phục hồi dần của nền kinh tế vẫn đang được duy trì, VCBS dự báo, trong thời gian tới, động lực cho tăng trưởng vẫn đến từ khối xuất khẩu, tâm điểm là các doanh nghiệp FDI. 

Theo yếu tố mùa vụ, tổng cầu có thể sẽ có những cải thiện tốt hơn về cuối năm nhưng nếu những vấn đề còn tồn tại chưa có những bước tiến rõ nét, như quá trình tái cơ cấu Ngân hàng, xử lý nợ xấu, thì sự bứt phá của nền kinh tế sẽ chưa thểsớm đến. 

Tăng trưởng GDP quý III/2014 được dự báo sẽ cải thiện vừa phải lên 5,6% tương ứng mức tăng khoảng 5,3% cho 9 tháng/2014 và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ cải thiện này trong quý IV, tăng trưởng GDP cả năm 2014 nhiều khả năng sẽ đạt khoảng 5,5%-5,6%.


Cũng theo VCBS, nếu không có những sự kiện bất ngờ xảy ra, diễn biến cung cầu ngoại tệ sẽ vẫn cân bằng và trong tầm kiểm soát cũng như khả năng điều tiết của NHNN. Về cuối năm cầu ngoại tệ thường có xu hướng tăng lên khi các doanh nghiệp tích cực nhập khẩu nguyên liệu để
đáp ứng các đơn hàng sản xuất. 

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, VCBS cho rằng, cung ngoại tệ khá ổn định và đủ sức đáp ứng do (1) hiện tại Việt Nam vẫn đang ghi nhận xuất siêu 1,26 tỷ USD đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt cho tăng trưởng, theo đó cầu ngoại tệ tăng lên phục vụ sản xuất thì cũng sẽ có nguồn cung ngoại tệ đối ứng từ xuất khẩu; (2) vốn FDI giải ngân đang duy trì xu hướng tăng tích cực và đạt 6,8 tỷ USD (+2,3% yoy) và (3) dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD. Như vậy, dự báo, tỷ giá sẽ không điều chỉnh thêm từ nay đến cuối năm.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *