Đề xuất cho thuê 99 năm biển, đảo tại Phú Quốc làm du lịch, thương mại

Tỉnh Kiên Giang vừa có đề án thành lập Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Phú Quốc (Đặc khu) gửi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với nhiều đề xuất có thể được coi là mới, “đột phá” vượt ra ngoài những đề xuất trong dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra trình Quốc hội gần đây.

Cụ thể, trong quy định về lưu hành tiền của cá nhân tại Đặc khu, Kiên Giang đề nghị nâng mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam phải khai báo hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh tại Phú Quốc lên gấp ba lần so với hiện nay, tương đương 15.000 USD (hơn 340 triệu đồng) và tiền VNĐ là 45 triệu đồng.

Tỉnh Kiên Giang đề xuất cho thuê biển, đảo tại Đặc khu 99 năm để làm du lịch, thương mại và có gia hạn
Tỉnh Kiên Giang đề xuất cho thuê biển, đảo tại Đặc khu 99 năm để làm du lịch, thương mại và có gia hạn

Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành chủ yếu trong Đặc khu, Kiên Giang đề xuất cho phép đồng USD được lưu hành tự do, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD.

Đặc biệt, tỉnh này cũng đề xuất cho phép chính quyền Đặc khu cho thuê các đảo và khu vực biển vì mục đích du lịch, kinh doanh thương mại có thời hạn không quá 99 năm và được gia hạn sử dụng nhiều lần nếu có nhu cầu và chấp hành đúng pháp luật của Việt Nam.

Đối với các dự án khu du lịch sinh thái cao cấp có tổng mức đầu tư trên 300 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) được phép kinh doanh hoạt động vui chơi có thưởng (casino quy mô nhỏ); các dự án sản xuất công nghệ cao, công nghệ điện tử, sinh học được miễn tiền thuê đất.

Về chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, Kiên Giang đề nghị cho các đối tượng lao động là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia giỏi,… được thu hút về làm việc tại Đặc khu được hỗ trợ nhà ở và thu nhập.

Cụ thể, đối với lao động trong nước được hưởng mức lương tối thiểu vùng I (theo quy định hiện nay là 3.750.000 đồng/tháng) và phụ cấp thêm 50% mức lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp khác như: Phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực, biên giới, hải đảo… Đối với lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong Đặc khu được miễn cấp giấy phép lao động.

Về cơ chế thuế quan đối với doanh nghiệp, hàng hoá, tại Đặc khu, hàng hóa có xuất xứ từ nội địa Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào sẽ được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đối với các loại hàng hóa sản xuất phải gia công, tái chế, lắp ráp tại Đặc khu có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong sản phẩm hàng hóa đó.

Về thu chi ngân sách, Kiên Giang kiến nghị các khoản thu nội địa phát sinh trên địa bàn Đặc khu được để lại 50% trong thời gian 10 năm kể từ khi thành lập. Điều này đảm bảo nguồn vốn đầu tư ngân sách, đầu tư công cho các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi tốt hơn.

Trước đó, trong Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt của Bộ KH&ĐT gửi Chính phủ và đệ trình Quốc hội, phần ưu đãi chính sách riêng của Phú Quốc, cơ quan soạn thảo Luật kiến nghị: Người nước ngoài có dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc từ 5 triệu USD (hơn 110 tỷ đồng), đã có thời gian cư trú 5 năm trở lên, không vi phạm pháp luật sẽ được cấp thẻ thường trú tại Phú Quốc (loại thẻ cư trú không thời hạn, có giá trị thay thị thực đối với người nước ngoài).

Đối với cá nhân người Việt và người nước ngoài ở ba Đặc khu kinh tế (Vân Đồn - Vân Phong - Phú Quốc), Luật quy định, các cá nhân được miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm, nhưng không quá 2030 khi có thu nhập diện chịu thuế phát sinh ở đặc khu kinh tế. Những năm tiếp theo, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ được giảm 50%.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *